Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ảnh hưởng thiên tai theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do,...
Thời gian qua tình hình sạt lở ở Thừa Thiên Huế diễn biến phức tạp |
Do ảnh hưởng của bão số 5, số 9, số 13 vừa qua, tại Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to gây ra lũ lụt lớn, gây sạt lở đất ven sông, suối và đồi núi. Để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài của người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp các ban ngành liên quan và các địa phương rà soát ở các khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Sau khi rà soát và báo cáo của các địa phương thuộc vùng miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, số hộ cần phải di dời tái định cư là 322hộ/1.528 khẩu; kinh phí khoảng 102 tỉ đồng, bao gồm 7 dự án bố trí dân cư tập trung và 1 dự án bố trí dân cư xen ghép.
Trong đó, sạt lở đất thôn Lập (xã Thượng Nhật, UBND huyện Nam Đông) đã quy hoạch khu tái định cư tập trung quy mô 2,6 ha tại thôn A Xách, kinh phí 22 tỷ đồng cho 75hộ/375 khẩu.
Riêng 13 hộ/55 khẩu sạt lở chân đồi tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre sẽ chuyển về Khu tái định cư tổ dân phố 1, với kinh phí 12 tỷ đồng. Huyện A Lưới có 200 hộ/950 khẩu cần phải di dân và bố trí tập trung ở các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thượng và xã Hồng Hạ.
Nhiều ngôi nhà thấp thỏm dưới các chân núi |
Huyện Phú Lộc ở chân đèo thôn Phú Gia - xã Lộc Tiến có 20 hộ/85 khẩu vào khu quy hoạch tập trung xã Lộc Tiến. Xã Thủy Bằng - thị xã Hương Thủy có 14 hộ/63 khẩu vào khu quy hoạch tại chỗ thôn La Khê.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, để ứng phó lũ quét và sạt lở đất cần có giải pháp công trình và phi công trình. Cụ thể, ngoài tăng cường khả năng thoát lũ của lòng dẫn, xây tường chắn, hồ chứa kiểm soát lũ… cần lắp đặt, vận hành các hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số nơi dân cư và các hoạt động kinh tế tập trung mà có nhiều khả năng xuất hiện lũ quét và trượt lở đất; quy hoạch, điều chỉnh khu dân cư tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét và trượt lở đất; cắm các biển báo nơi có nguy xảy ra lũ quét và trượt lở đất; sơ tán khỏi vùng lũ quét và trượt lở đất nhờ các bản tin cảnh báo và dự báo; tăng độ che phủ mặt đệm bằng cách trồng rừng kết hợp với phương thức canh tác hợp lý bảo đảm độ ổn định của kết cấu đất; tuyên truyền giáo dục về lũ quét và trượt lở đất, huấn luyện, diễn tập các phương án phòng tránh lũ quét và trượt lở đất phương án phòng tránh lũ quét và sạt lở đất...
Việc bố trí, di dời dân cư là điều cần thiết |
Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đơn vị thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ làm công tác PCTT về các loại hình thiên tai, trong đó có động đất, lũ quét và sạt lở đất đá. Từ năm 2013 đến nay đều có tổ chức các lớp tập huấn PCTT tại các địa phương.
“Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương rà soát lại các phương án ứng phó với các loại hình thiên tai, trong đó có sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá tổng thể nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh; rà soát, cập nhật bản đồ cảnh báo các vị trí nguy cơ sạt lở đất. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tích cực phối hợp với Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, cập nhật các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tổng rà soát khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng giao thông, hồ chứa nước, thủy điện để đảm bảo an toàn”, ông Hùng thông tin.