64 xã đạt chuẩn, 2 huyện NTM
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ năm 2010, đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế có 64/97 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 66%; số tiêu chí bình quân đạt 16,7 tiêu chí/xã (cao hơn mức bình quân cả nước 0,5 tiêu chí). Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có 2 huyện đã hoàn thành việc xây dựng NTM là huyện Quảng Điền và thị xã Hương Thủy.
Tổng nguồn lực huy động trong 10 năm đạt hơn 10.084 tỷ đồng, trong đó, có nguồn lực đáng kể từ người dân và doanh nghiệp trong tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh hiện nay là 34 triệu đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2010 (hơn 12 triệu đồng) bình quân tăng 11,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn 7,25%. Cơ sở, hạ tầng nông thôn đã được đầu tư khá cơ bản, diện mạo có bước khởi sắc.
Đời sống người dân ở vùng nông thôn Thừa Thiên Huế đang khởi sắc, khi nhiều công trình được xây dựng khang trang |
Trong đó, như huyện Quảng Điền có 10/10 xã đạt chuẩn NTM. Quá trình xây dựng NTM người dân đã tự nguyện hiến 30 ngàn m2 đất, đóng góp hơn 35 ngàn ngày công, hơn 6 tỷ đồng tiền mặt và nhiều khoản đóng góp khác (khoảng 13,3 tỷ đồng) cùng Nhà nước mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%; 100% xã bãi ngang thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn. Huyện Quảng Điền đã hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Theo ông Nguyễn Thanh Minh - Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, sau khi hoàn thành việc xây dựng NTM vào 9/2019 với 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn, thị xã Hương Thủy tiến hành xây dựng thành xã NTM kiểu mẫu; Thủy Tân và Thủy Phù là xã NTM nâng cao. Đồng thời, xây dựng kế hoạch xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cho giai đoạn 2021-2025 với một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học, y tế, giao thông, nước sạch và vệ sinh môi trường; chọn các xã xây dựng NTM nâng cao, xã Thủy Vân NTM theo hướng phát triển đô thị; các xã Thủy Bằng, Phú Sơn, Dương Hòa sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Mục tiêu trong năm tới, có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 xã đạt NTM nâng cao...
Phát triển các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, nhằm nâng cao kinh tế cho người nông dân |
Nhiều giải pháp
Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM Thừa Thiên Huế cho hay, địa phương vẫn còn gặp một số, khó khăn, hạn chế, trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương chưa tập trung, quyết liệt; nhiều đơn vị, địa phương vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, vào cấp trên; việc tổ chức thực hiện còn chú trọng về đầu tư hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất.
Kết quả xây dựng NTM ở một số địa phương chưa thực sự bền vững và chưa đồng đều giữa các vùng, địa bàn trong tỉnh; đặc biệt là đối với các xã miền núi, xã bãi ngang ven biển... Chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn còn thấp, nhiều xã, nhiều tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu, việc duy trì nâng cao chất lượng tiêu chí NTM sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế, trong khi đó yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM càng ngày càng cao, nhất là các tiêu chí liên quan đến sản xuất và đời sồng người dân (tiêu chí Thu nhập, Tỷ lệ hộ nghèo, Nhà ở, Tổ chức sản xuất, Môi trường,...)
Theo ông Phạm Quyền - Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên đạt 87%. Trong đó, có 30% xã NTM nâng cao, 10% xã NTM kiểu mẫu; có ít nhất 3/8 huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; trong đó, có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM, có 1 huyện NTM nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn toàn tỉnh tăng ít nhất 1,36 lần so với năm 2020.
Đầu tư trụ lưới, nhà lưới để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap |
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đưa ra các các giải pháp để thực hiện trong thời gian tới, cụ thể: Tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và hoạt động của Ban chỉ đạo NTM các cấp và vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp trong việc tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động để thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân; nhất là trong đóng góp công sức, trí tuệ và nguồn lực từ xã hội để thực hiện Chương trình.
Thực hiện, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững được xem là giải pháp cơ bản và lâu dài trong xây dựng NTM cũng được địa phương chú trọng và ưu tiên thực hiện.
Theo đó, cùng với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ an toàn sinh học; triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM. Cùng với đó, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, văn hóa ở nông thôn; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và quốc phòng an ninh ở cơ sở; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn” để xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - sáng và đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân cũng như yêu cầu của Bộ tiêu chí sau năm 2020...