Thừa Thiên Huế: Dân “khóc ròng” vì hàng ngàn hecta lúa ngã đổ sau mưa lớn

Văn Dinh| 14/04/2020 13:39

(TN&MT) - Do ảnh hưởng của mưa lớn, hàng ngàn hecta lúa sắp thu hoạch của người dân Thừa Thiên Huế đã đổ ngã, nguy cơ mất trắng.

Hàng ngàn hecta lúa đông xuân ở Thừa Thiên Huế bị ngã đổ do mưa lớn

Thiệt hại nặng

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa đến mưa to. Hàng ngàn hecta lúa đông xuân đang trong giai đoạn trổ đòng và chín ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Trà... bị sạp đổ nghiêm trọng.

Ông Đặng Văn Thân (HTX Nông nghiệp Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) cho hay, nhà ông làm 5 sào lúa, chỉ còn 15 ngày nữa là gặt, vậy mà chỉ sau một đêm mưa đã ngã rạp vì mưa to. Với tình hình lúa đang chín như thế này, bị ngã xem như mất trắng...

“Vụ đông xuân năm nay trồng hơn 1 mẫu lúa chủ yếu là giống HT1, Khang Dân 18. Mưa gió những ngày qua đã khiến hơn 5 sào lúa đang gia đoạn chín bị đổ sạp xuống ruộng, hơn một trong số đó bị ngâm nước và nguy cơ mất mùa khoảng 60%...”, ông Đỗ Anh (trú đội 3, thôn Minh Thanh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà) chia sẻ.

Người nông dân tìm cách khắc phục thiệt hại

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền - Nguyễn Ngọc Tiến cho hay, mưa, gió đã khiến hơn 1.500 hecta trong tổng số 4.202 hecta lúa đông xuân ở địa phương bị ngã đổ, trong đó hơn 900 hecta đổ nằm rạp xuống mặt đất, nguy cơ hư nặng.

“Phần lớn là diện tích lúa mới trổ và đang chín, lúa bị đổ sẽ ảnh hưởng khả năng quang hợp, sự vận chuyển các chất dinh dưỡng về hạt của lúa, nếu bị lâu ngày sẽ giảm năng suất từ 20 - 40%. Đây cũng là lúc nhiều bệnh dịch phát triển, nếu không kịp thời dựng lúa dậy sẽ bị rầy gây hại là rất cao, rất ảnh hưởng năng suất lúa”, ông Tiến cho hay.

Vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào gieo cấy khoảng 29.000 hecta, đến thời điểm hiện tại, lúa đã trổ, chín khoảng 28.000 hecta. Theo thống kê ban đầu của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lớn đã làm hơn 10.000 hecta lúa đông xuân trên toàn tỉnh đã bị ngã đổ, hư hại. Trong đó, nặng nhất là địa bàn huyện Phú Vang với hơn 3.995 hecta, Phong Điền hơn 1.972 hecta, thị xã Hương Thủy hơn 1.622 hecta, thị xã Hương Trà hơn 937 hecta…

Các máy bơm hoạt động hết công suất để cứu lúa

Nỗ lực cứu lúa

Nhằm cứu lúa đổ, hạn chế thiệt hại năng suất và sản lượng, người nông dân ở Thừa Thiên Huế đang xuống đồng huy động nhân lực khẩn trương tháo kiệt nước ở ruộng, dùng sào và dây buộc để dựng lúa đứng dậy.

Phòng NN&PTNT các địa phương cũng đã cử cán bộ kỹ thuật về tận cơ sở hướng dẫn bà con tích cực chăm sóc các diện tích lúa bị đổ ngã bằng cách cho bón các loại phân như lân, Kali, NPK để thân lúa phát triển mạnh, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho hạt lúa.

Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền đã chỉ đạo và huy động tất cả các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất để cứu những diện tích bị đổ. Cùng với đó, vận động người dân dùng sào tre để nâng lúa lên và buộc lại thành bó lớn đế cây lúa không bị rạp xuống; hoặc, dùng dây dài, buộc hai đầu dây 2 cọc cắm xuống ruộng để nâng lúa lên theo hàng băng, mỗi băng từ 5 - 7 hàng lúa...

Lãnh đạo thị xã Hương Trà kiểm tra, tìm cách hỗ trợ người dân

Theo Sở NN&PTNT, nếu mưa tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới, diện tích lúa bị đổ ngã hiện tại trên 70% sẽ bị thiệt hại 20% - 30% sản lượng sau thu hoạch. Do vậy, đơn vị này yêu cầu các HTX, khuyến cáo các hộ dân thường xuyên thăm đồng, khơi thông dòng chảy trên đồng ruộng tránh để lúa ngã ngập trong nước, gây mọc mầm lúa và hạt lúa ngập nước sẽ bị phai màu, thương lái thu mua giá sẽ thấp, gây thiệt hại kinh tế.

“Đối với diện tích ngập úng, đang làm đòng các HTX phải khẩn trương huy động lực lượng, các trạm bơm lưu động thoát nước nhanh trong ruộng lúa, tránh để ngâm lâu ngày gây nảy mầm ảnh hưởng chất lượng. Đối diện tích lúa chín, hạt đã chắc trên 85%, các địa phương cần tiến hành thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đối với những diện tích đã “vào chắc” rồi sau khi tháo nước phải dựng lúa dậy bằng cách cụm từ 3 - 5 bụi lại với nhau tránh đổ ngã, sau khi tháo nước, trời tạnh ráo thì phun phân bón lá siêu Kali để nhanh nước phục hồi”, ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Dân “khóc ròng” vì hàng ngàn hecta lúa ngã đổ sau mưa lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO