Thừa Thiên Huế: Đảm bảo vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Văn Dinh| 10/12/2020 13:32

(TN&MT) - Để xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững thì Thừa Thiên Huế phải thực hiện tốt 3 tiêu chí đó là đổi mới, tổ chức lại mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập cho người nông dân; quan tâm, đảm bảo vấn đề môi trường trên địa bàn toàn tỉnh; sự thụ hưởng của người dân về y tế, văn hóa và giáo dục.

Đó là nhấn mạnh của ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT) - Trưởng đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện chương trình MTQG Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vào chiều 9/12.

Ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 62/97 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 63,9% (trong đó 56 xã đã có Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đang thẩm định, 2 xã đang làm hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn). Đặc biệt, thị xã Hương Thủy đang hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến góp ý của Đoàn thẩm định nông thôn mới Trung ương (đã vào kiểm tra thực tế ngày 26/9/2020) trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương họp thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, huyện Quảng Điền đã có 10/10 xã đạt chuẩn, hiện các ban ngành cấp tỉnh đang thẩm tra hồ sơ để UBND tỉnh trình Trung ương thẩm định, xét công nhận.

Những cổng chào thôn, xóm được xây mới và các tuyến đường mở rộng 

Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 62 xã/97 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt tỷ lệ 63,9%. Hai đơn vị cấp huyện: Thị xã Hương Thủy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh năm đạt 35,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 5,75%. Một số chỉ tiêu khác liên quan đến dân sinh đều tăng đáng kể, như: Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 98,82%; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 87%, nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn đạt trên 65%; …

Về môi trường trong xây dựng NTM, tại Thừa Thiên Huế thì nhiều địa phương đã làm tốt tiêu chí này.  Tại huyện A Lưới, sáng kiến “Ngày nông thôn mới” được triển khai qua các công việc chủ yếu do sức dân thực hiện được phát động như “Chỉnh trang đường làng ngõ xóm”, “Đào hố rác, xử lý rác thải bằng chôn lấp ở các hộ gia đình”, “Trồng cây xanh, hàng rào xanh”, “Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, nhà ở”...

Tại huyện Phú Vang, xây dựng và triển khai thực hiện đề án thu gom, xử lý rác thải, với mục tiêu xã hội hóa hoàn toàn hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đến nay 100% các xã thực hiện công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt, thu phí vệ sinh môi trường thường xuyên trên địa bàn toàn xã và đã hợp đồng đơn vị dịch vụ vận chuyển rác về xử lý tại bãi xử lý rác thải của tỉnh.

Công tác môi trường được quan tâm

Về việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ông Vang cho biết, đến ngày 31/11/2020, có 34 chủ thể kinh tế tham gia chương trình, trong đó có 18 hợp tác xã, 2 hổ hợp tác, 3 doanh nghiệp, 11 hộ gia đình đăng ký kinh doanh, trong đó UBND tỉnh đã có quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận cho 17 sản phẩm OCOP (4 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao). Dự kiến năm 2020 sẽ hoàn thành đánh giá phân hạng cho khoảng 16 sản phẩm tham gia chương trình.

Đối với tình hình thực hiện một số tiêu chí cụ thể về GD&ĐT trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở các bậc học tiếp tục được nâng cao về chất lượng và số lượng. Đến nay, ở khu vực nông thôn (không tính thị trấn và phường) trên toàn tỉnh có 100% (98/98) xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ II; 100% xã tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ II (trong đó có 38,77% đạt mức độ III). Tỷ lệ học sinh tiếp tục học Trung học đạt trên 95%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT trong toàn tỉnh đạt trên 92%. Đến nay đã có 94/97 đạt xã tiêu chí giáo dục và đào tạo đạt tỷ lệ 96,9%.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng NTM trong thời gian qua của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đầu tư trụ lưới, nhà lưới để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao đối với các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới. Trong đó chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực, chủ động thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và xây dựng kế hoạch với lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức quán triệt với các cấp, các ngành và nhân dân cùng tham gia, hưởng ứng tích cực, triển khai có hiệu quả phong trào với nội dung, hình thức thiết thực, phù hợp với thực tiễn ở địa phương, phát huy sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.

“Để xây dựng NTM bền vững thì phải thực hiện tốt 3 tiêu chí đó là đổi mới, tổ chức lại mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập cho người nông dân; Quan tâm, đảm bảo vấn đề môi trường trên địa bàn toàn tỉnh; Sự thụ hưởng của người dân về y tế, văn hóa và giáo dục. Tỉnh tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, các kiến nghị, đề xuất của các thành viên trong đoàn công tác. Đồng thời sẽ tiếp thu các kiến nghị của tỉnh và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG Xây dựng NTM trong thời gian tới”, Thứ trưởng Thưởng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Đảm bảo vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO