Xã hội

Bảo đảm sự an toàn môi trường kinh doanh thương mại điện tử

Xuân Phương 29/11/2024 - 19:18

(TN&MT) – Ngày 29/11, Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và luật pháp (STLA) và Công ty TNHH Luật Hồng Bách và Cộng sự cùng đồng hành tổ chức chương trình “Tọa đàm khoa học giao dịch thương mại điện tử pháp lý và thực tiễn”. Tọa đàm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá thực trạng và trao đổi những vấn đề pháp lý, học thuật quan trọng liên quan đến sự phát triển của thương mại điện tử bền vững và an toàn.

Tham dự Tọa đàm có các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và pháp lý, cùng các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành, đặc biệt là công nghệ trong phòng chống hàng giả, gian lận thương mại như: Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - nguyên Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực, Uỷ viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc Gia; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hồng; Tiến sĩ Trịnh Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng TM&DL Hà Nội… cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT.

ls-bach.jpg
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Luật Hồng Bách và Cộng sự phát biểu khai mạc tại Tọa đàm

Chia sẻ các vấn đề pháp lý đang tồn tại

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, là một trụ cột quan trọng để phát triển nền kinh tế số, không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn tại các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả Việt Nam. Cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ số và Internet, TMĐT đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong cách thức kinh doanh, tiếp thị số và giao dịch. Tuy nhiên, đây lại là sự phát sinh của các vấn đề pháp lý và thực tiễn, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Những năm gần đây chúng ta đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ và tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức mua sắm, kinh doanh và giao dịch trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế - thương mại, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Các nền tảng thương mại điện tử đã kết nối hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp, mở ra cơ hội mới nhưng cũng kéo theo không ít thách thức.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Luật Hồng Bách và Cộng sự, Chủ tịch HĐQL Viện STLA cho biết, mặc dù thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh, nhưng sự phát triển đó tồn tại những hạn chế, thiếu sót, phát sinh những vấn đề cần giải quyết. Trong đó, các vấn đề pháp lý luôn là một thách thức lớn, khi hệ thống pháp luật hiện hành vẫn còn một số khoảng trống và bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới. Các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo mật thông tin, chống gian lận thương mại, thuế, hợp đồng điện tử... đã và đang là những vấn đề nóng được nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm.

ls-bach-dieu-hanh-toa-dam.jpg
Tọa đàm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp cùng nhìn lại, đánh giá thực trạng và trao đổi những vấn đề pháp lý, học thuật quan trọng liên quan đến sự phát triển của thương mại điện tử bền vững và an toàn.

“Đây chính là lý do tại sao chúng ta cần phải ngồi lại với nhau, thảo luận về các vấn đề pháp lý và thực tiễn đang tồn tại trong thương mại điện tử. Trong khuôn khổ diễn đàn hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi, làm rõ những thách thức mà thương mại điện tử đang gặp phải, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên liên quan và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành”- Luật sư Bách phát biểu.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách, TMĐT đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển nhanh chóng của TMĐT đặt ra những yêu cầu mới, đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức đối với hoạt động quản lý Nhà nước. Để quản lý hiệu quả hoạt động TMĐT, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ, bao gồm cả việc hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nâng cao hiệu quả chống gian lận và hàng giả

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - nguyên Chánh Văn phòng Văn phòng thường trực, Uỷ viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc Gia cho rằng, TMĐT không ngừng đổi mới và phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các hình thức thương mại truyền thống. Điều này đòi hỏi các quy định pháp luật phải liên tục được cập nhật và điều chỉnh để đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới. TMĐT phá vỡ các rào cản địa lý, tạo điều kiện cho hàng hóa và dịch vụ được giao dịch trên phạm vi toàn cầu đã đặt ra nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến quản lý thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp... TMĐT tác động sâu sắc đến nền kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nếu không được quản lý tốt, TMĐT cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực như: cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, hàng giả, hàng nhái...

quang-canh-cuoc-hop-1-.jpg
Quang cảnh Tọa đàm

Chia sẻ nhóm giải pháp để quản lý giao dịch thương mại điện tử được tốt hơn, Thiếu tướng Đàm Thành Thế cho rằng, phải hoàn thiện khung pháp lý, cập nhật và bổ sung các quy định về trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc kiểm tra, giám sát nội dung và nguồn gốc sản phẩm. Ban hành các quy định cụ thể về quản lý giao dịch xuyên biên giới, đặc biệt là các nền tảng quốc tế hoạt động tại Việt Nam. Tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là tái phạm…

Nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về luật pháp, kiến thức TMĐT, kỹ năng sử dụng công nghệ giám sát cho cán bộ của các lực lượng chức năng. Thành lập các đội chuyên trách trong Ban Chỉ đạo 389 tại các địa phương để kịp thời xử lý các vi phạm. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan và chính quyền địa phương.

Tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức bằng cách tuyên truyền về luật pháp trong TMĐT, và kỹ năng tiêu dùng thông minh đến người tiêu dùng về cách nhận biết hàng giả, hàng nhái và quyền lợi khi tham gia TMĐT…

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp chống buôn lậu, hàng giả trong TMĐT. Tham gia các hiệp định thương mại quốc tế về TMĐT để thống nhất các tiêu chuẩn quản lý.

Bên cạnh phải hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tốt các giao dịch TMĐT, thì việc đào tạo và cấp chứng chỉ nghề TMĐT trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiến sĩ Trịnh Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng TM&DL Hà Nội quan điểm, TMĐT ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi các mô hình mua sắm trực tuyến và giao dịch điện tử ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo. Tuy nhiên, lực lượng lao động trong ngành TMĐT hiện nay vẫn thiếu hụt về số lượng và thiếu đi những kỹ năng chuyên sâu, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý kho hàng, phân tích dữ liệu, tiếp thị trực tuyến, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO), và vận hành nền tảng thương mại điện tử.

“Giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo chứng chỉ nghề TMĐT tại các trường cao đẳng đào tạo nghề không chỉ giúp học sinh, sinh viên, học viên nâng cao kỹ năng, mà còn góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành TMĐT ở Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, các trường cần chủ động trong việc cải cách chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng viên và xây dựng môi trường học tập thực tiễn gắn với doanh nghiệp. Từ đó, góp phần tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo, năng động và có khả năng thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường kinh doanh online, ngành TMĐT trong bối cảnh phát triển kinh tế số, kinh tế nền tảng hiện nay”- Tiến sĩ Hà chia sẻ.

Thương mại điện tử là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, trụ cột quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế số, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức pháp lý và thực tiễn. Để phát triển bền vững, cần có một khung pháp lý hoàn thiện, đồng thời các cơ quan chức năng, lực lượng quản lý phải thực thi nghiêm túc các quy định để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường thương mại điện tử.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hệ thống pháp lý, đầu tư vào hạ tầng công nghệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sự an toàn môi trường kinh doanh thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO