Thời hạn và chi phí thực hiện cưỡng chế quyết định giải quyết tranh chấp đất đai tại Thừa Thiên Huế

07/11/2018 15:45

(TN&MT) – Gia đình tôi và gia đình hàng xóm (tại huyện Nam Đồng, tỉnh Thừa Thiên Huế) có xảy ra tranh chấp về đất đai nhiều năm nay. Để giải quyết tranh chấp, hai bên đã đưa nhau ra tòa. Sau một thời gian xử lý, tòa án đã tuyên: gia đình hàng xóm phải chuyển đi nơi khác, bàn giao toàn bộ ngôi nhà đang ở cho gia đình tôi. Tuy nhiên, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật đã lâu mà hàng xóm vẫn không chịu thi hành. Họ vẫn cố thủ và không chịu bàn giao nhà cho gia đình nhà tôi. Xin hỏi, bây giờ, gia đình tôi có thể làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế gia đình hàng xóm thi hành quyết định của tòa án được không? Điều kiện để thực hiện cưỡng chế, thời gian và thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế này thuộc về ai? Mọi chi phí phát sinh trong quá trình cưỡng chế là những khoản gì? Ai là người phải chi trả những chi phí này?

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo quy định tại Quyết định số  57/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định về cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

- Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không chấp hành quyết định và đã được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất tranh chấp đã vận động, thuyết phục mà không chấp hành;

- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành tranh chấp đất đai đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất tranh chấp;

- Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành đã có hiệu lực thi hành;

- Người bị cưỡng chế đã nhận được Quyết định cưỡng chế.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

cuong che
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Tại Điều 6, Quyết định trên quy định: Thời hạn cưỡng chế không quá 30 ngày kể từ ngày người bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế hoặc kể từ ngày lập biên bản về việc người bị cưỡng chế không nhận quyết định cưỡng chế hoặc kể từ ngày tổ chức thực hiện hoàn thành các thủ tục quy định.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chính là người có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đã có hiệu lực pháp luật đối với đất tranh chấp trên địa bàn thuộc cấp huyện quản lý. Trường hợp diện tích đất tranh chấp thuộc địa bàn hai cấp huyện trở lên, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ định.

Về chi phí tổ chức cưỡng chế: Theo Điều 20 Quyết định trên, chi phí cưỡng chế được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế đã phát sinh trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế phù hợp với giá cả ở từng thời điểm. Chi phí này gồm: Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế; Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản; Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên; Chi phí thực tế khác (nếu có).

Và, cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho các hoạt động cưỡng chế. Nếu cá nhân, tổ chức không tự nguyện hoàn trả hoặc hoàn trả chưa đủ chi phí cưỡng chế thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có thể ra quyết định cưỡng chế tài sản để bảo đảm hoàn trả lại chi phí cưỡng chế.

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời hạn và chi phí thực hiện cưỡng chế quyết định giải quyết tranh chấp đất đai tại Thừa Thiên Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO