Thiệt hại kinh tế do thời tiết khắc nghiệt gia tăng ở châu Á

Khánh Ly | 15/11/2022 13:04

(TN&MT) - Chỉ tính riêng trong năm 2021, thiệt hại kinh tế do hạn hán, lũ lụt và lở đất ở châu Á đã tăng vọt lên tới 35,6 tỷ USD, ảnh hưởng đến gần 50 triệu người.

Thông tin được đưa ra trong Báo cáo Tình trạng khí hậu ở châu Á năm 2021, do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) phối hợp cùng Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc về Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) công bố trong Hội nghị COP27 hôm 14/11, tại Sharm El Sheikh, Ai Cập.

e0687a18915a7804214b.jpg
Một khu vực ngập lụt ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) hôm 19-6 Ảnh: CFP

Báo cáo ước tính, so với mức trung bình trong 20 năm qua, thiệt hại kinh tế do do hạn hán đã tăng 63%, do lũ lụt tăng 23 %, và do các trận lở đất tăng 147 %.

Cụ thể, vào năm 2021, có tổng cộng hơn 100 sự kiện thiên tai ở Châu Á, trong đó, 80% là các sự kiện bão lụt. Những thiên tai này khiến gần 4.000 người thiệt mạng, trong đó, khoảng 80% là do lũ lụt. Tính chung, 48,3 triệu người đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những hiểm họa này, gây thiệt hại kinh tế tổng cộng 35,6 tỷ USD.

Trong khi lũ lụt gây ra số người chết và thiệt hại kinh tế cao nhất, thì hạn hán lại tác động đến nhiều người nhất trong khu vực. Bão cát và bụi cũng là một vấn đề lớn.

Các quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất do lũ lụt làTrung Quốc (18,4 tỷ USD), Ấn Độ (3,2 tỷ USD) và Thái Lan (0,6 tỷ USD). Bão cũng gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể, đặc biệt là ở Ấn Độ (4,4 tỷ USD), Trung Quốc (3 tỷ USD) và Nhật Bản (2 tỷ USD).

Ông Armida Salsiah Alisjahbana, Tổng thư ký kiêm Thư ký điều hành của ESCAP cho biết: Lũ lụt và xoáy thuận nhiệt đới gây ra thiệt hại kinh tế cao nhất, nên việc đầu tư cho thích ứng cũng phải ưu tiên phòng chống các loại hình thiên tai này. Do biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, các quốc gia nên cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng mới cần được thiết kế chống chịu với các loại hình thiên tai này. Chính quyền ở các vùng đất dễ bị khô hạn sẽ cần đưa ra các giải pháp cải tiến quản lý tài nguyên nước và sản xuất nông nghiệp, trong đó, chú trọng các giải pháp dựa vào thiên nhiên mang lại lợi ích lâu dài.

1-1563963957848377029863.jpg
 Nhiều quốc gia Nam Á gặp lũ quét, sét đánh và mưa lớn gây ngập lụt. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký WMO, ông Petteri Taalas kêu gọi các quốc gia tham gia Chương trình Cảnh báo sớm cho tất cả, do WMO vừa khởi xướng tại COP 27. Việc triển khai các công tác cảnh báo sớm sẽ giúp bảo vệ mọi người trước nguy cơ thời tiết khắc nghiệt thường xuyên và khốc liệt hơn, đặc biệt ở khu vực châu Á..
Báo cáo Thảm họa Châu Á - Thái Bình Dương năm 2021 và 2022 cũng ước tính mức đầu tư hàng năm cho thích ứng với biến đổi khí hậu ở châu Á. Cụ thể, Trung Quốc cần đầu tư ở mức 188,8 tỷ USD, tiếp theo là Ấn Độ ở mức 46,3 tỷ USD và Nhật Bản là 26,5 tỷ USD. Theo tỷ lệ GDP của đất nước, chi phí ước tính cao nhất là Nepal với 1,9%, tiếp theo là Campuchia 1,8% và Ấn Độ 1,7%. Phần lớn các quốc gia châu Á đã ưu tiên vấn đề thích ứng trong các kế hoạch ứng phó BĐKH, trong đó, ưu tiên bẻo vệ nguồn nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, y tế.

Các chuyên gia cũng chỉ ra những vấn đề có chi phí đầu tư cao, bao gồm: Tăng cường hệ thống cảnh báo sớm và xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu được với thiên tai; quản lý tài nguyên nước trở nên linh hoạt hơn; cải thiện sản xuất nông nghiệp trên các vùng đất khô hạn; thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Theo đó, việc xây dựng và hoàn thiện các hành động chính sách trong những lĩnh vực này sẽ thúc đẩy phát triển bền vững và lan tỏa các hành động vì khí hậu.

Một số vấn đề chính trong Báo cáo Tình trạng khí hậu ở châu Á năm 2021:

* Nhiệt độ trung bình ở châu Á năm 2021 mát hơn so với năm 2020 - năm ấm nhất trước đó. Nhưng 2021 vẫn là một trong những năm ấm nhất từng được ghi nhận, ước tính cao hơn 0,86° C so với mức trung bình giai đoạn 1981-2010. Lục địa châu Á đang ấm lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. đặc biệt trong hai giai đoạn gần đây (1961–1990 và 1991–2020).

* Đại dương với hệ thống dòng chảy Kuroshio (ở phía Tây của lưu vực Bắc Thái Bình Dương), biển Ả Rập, và biển Barents, biển Kara và đông nam biển Laptev ở Bắc Cực, đang ấm lên nhanh hơn khoảng 3 lần so với mức trung bình toàn cầu. Biển Barents được xác định là điểm nóng về biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng ở các đại dương xung quanh châu Á nhanh hơn một chút so với tốc độ trung bình toàn cầu.
*
Lượng mưa: Năm 2021, hạn hán hoành hành ở các nước Tây Á, đặc biệt là Iran, Iraq, Afghanistan và Bán đảo Ả Rập. Trong khi đó, lượng mưa hàng năm cao bất thường ở Nam và Đông Nam Á, miền đông Trung Quốc và Đồng bằng Tây Siberi. Số ngày tuyết bao phủ cũng thấp kỷ lục ở vùng cực của châu Á. 
*
An ninh lương thực: Châu Á là một trong những khu vực có nhiều người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất. Biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan càng làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương này.
*
Tại Afghanistan, hạn hán kéo dài cùng với những khó khăn về kinh tế đã khiến 47% dân số rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Lượng mưa giảm trong mùa mưa và lượng nước từ băng tuyết ít đi do lạnh giá kéo dài ở nước này đã ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho cây trồng vào năm 2021, khiến nguồn cung lương thực bị hạn chế so với các năm khác.

* Báo cáo cho thấy một viễn cảnh đáng lo ngại về căng thẳng nguồn nước trong tương lai. Vùng núi cao châu Á, bao gồm cả dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng, là khu vực có khối lượng băng lớn nhất bên ngoài vùng cực, với diện tích sông băng bao phủ khoảng 100.000 km2. Tốc độ tan chảy của các sông băng đang tăng nhanh và nhiều sông băng bị tổn thất khối lượng lớn do điều kiện khô và ấm, đặc biệt vào năm 2021. Đây là những nguồn cung cấp nước ngọt cực kì quan trọng với các khu vực đông dân cư nhất hành tinh. Vì vậy, sự tan chảy khiến sông băng bị thu hẹp dần có ý nghĩa to lớn đối với các thế hệ tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiệt hại kinh tế do thời tiết khắc nghiệt gia tăng ở châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO