Thiên tai gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trên cả nước

Tuyết Chinh| 24/04/2020 17:19

(TN&MT) - Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước gây thiệt hại về kinh tế khoảng 2.969 tỷ đồng.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến hôm nay (24/4/2020), thiên tai đã làm 9 người chết, 1 người mất tích, 42 người bị thương.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ 2 từ trái sang) dẫn đầu đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đi kiểm tra chỉ đạo khắc phục hậu quả do dông lốc, mưa đá tại Hà Giang sáng 24/4. Ảnh: VPTT BCĐ TW PCTT

Thiên tai cũng làm cho 1.431 nhà sập, 37.292 nhà bị hư hại, tốc mái; 98.404 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (trong đó, 54.793 ha thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; 14.390 ha bị thiệt hại do hạn hán tại Nam Trung Bộ; 29.136 ha bị thiệt hại do mưa lớn, dông lốc); 2.454 con gia súc, gia cầm chết.

“Ước tính thiệt hại về kinh tế là 2.969 tỷ đồng, trong đó do dông lốc, mưa đá khoảng 469 tỷ đồng; ước tính do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 2.500 tỷ đồng”, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết.

Đáng chú ý, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài từ cuối năm 2019 tại đồng bằng sông Cửu Long vượt lịch sử 2016 với các trị số: lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục) (Trung bình từ ngày 1/11 đến ngày 3/4 tại trạm Kratie (Campuchia) – trước phân nhánh vào sông Tiền, sông Hậu: năm 2019-2020 là 3.075 m3/s; năm 2015-2016 là 3.787m3/s; TBNN 4.737 m3/s).

Dông lốc gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh minh họa

Năm nay, xâm nhập mặn vào sâu hơn TBNN và sâu hơn năm 2016 từ 3-7km so với cùng kỳ 2016 (sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn tới 102km).

Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 54.700 ha lúa bị thiệt hại (38.200 ha lúa Đông Xuân và 16.500ha lúa mùa); 96.000 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Nhiều tuyến đe, đường giao thông bị sụt lún nghiêm trọng (1.121 điểm đường giao thông với tổng chiều dài 23.905km; 240m đê biển Tây đã sụt lún và 4.215m nguy cơ sụt lún trên địa bàn tỉnh Cà Mau).

Bên cạnh đó, hạn hán tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ cũng làm 14.390ha lúa, hoa màu, cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Đặc biệt, 7 đợt dông, lốc, sét kèm theo mưa đá trên diện rộng (tháng hai 1 đợt,  tháng ba 3 đợt, tháng tư 3 đợt). Điển hình mưa cường độ lớn (xấp xỉ 80mm tại Bố Hạ- Bắc Giang, Phúc Yên - Vĩnh Phúc...), kèm theo dông lốc sét và mưa đá trên diện rộng vào đêm 30 và sáng 01 Tết Nguyên đán) là hiện tượng hiếm và lạ thể hiện sự bất thường và cực đoan của thiên tai.

Cũng theo Văn phòng Ban Chỉ đạo, dông, lốc, sét, mưa đá trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố miền Bắc, nhất là tại 9 tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu.

Đợt mưa lớn, dông lốc trên địa bàn 04 tỉnh Trung Bộ từ 12-14/4/2020 gây thiệt hại nặng về sản xuất lúa với 19.810 ha lúa bị đổ ngã, riêng tỉnh Thừa Thiên Huế 10.769ha. Còn đợt mưa lớn, dông lốc từ 22-24/4 khiến 9 người chết, 1 người mất tích và 24 người bị thương; 7.474 nhà hư hỏng, tốc mái.

Ngoài ra, từ đầu năm đến nay tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên cả nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu long (Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu…) và ven biển miền Trung, nhiều đợt động đất ở khu vực miền núi phía Bắc.

Trong tháng 4/2020, cả nước đã xảy ra 39 trận dông, lốc, sét chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Trung Bộ, trong đó 3 đợt xảy ra trên diện rộng. Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 160,7 tỷ đồng, riêng đợt mưa lớn kèm dông lốc, mưa đá từ 22-24/4 tại miền núi phía Bắc gây thiệt hại khoảng 79,5 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trên cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO