Chuẩn bị từ chiến lược đến hoạt động cụ thể
Tại Hội thảo Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, Đóng góp về thích ứng trong NDC cập nhật tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, gồm: Tăng cường quản lý Nhà nước và nguồn lực, tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng cho cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng. Trong khi đó, NAP của Việt Nam tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong 7 nhóm lĩnh vực khác nhau được đánh giá là phải chịu tác động nặng nề của BĐKH. Trong đó, một số nhiệm vụ sẽ tập trung vào việc thích ứng BĐKH tại ĐBSCL.
Riêng với ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổng thể cả trước mắt và dài hạn, đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy định hình chiến lược phát triển bền vững cho đồng bằng lớn nhất Việt Nam theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn. Sau 3 năm thực hiện, các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết đã bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. “Những quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ của nhiều đối tác và cộng đồng quốc tế” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Chia sẻ về tâm thế chủ động của các địa phương khu vực ĐBSCL, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Trong đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016, kinh tế của vùng chịu thiệt hại nặng nề, chỉ có 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau là tăng trưởng dương do hệ thống sản xuất vốn đã quen với mặn. Vừa qua, đợt hạn mặn 2019 - 2020 có thời gian kéo dài và xâm nhập sâu hơn, nhưng có đến 7/12 tỉnh vẫn tăng trưởng dương từ 1 - 3%. Chỉ sau 5 năm, dù thiên tai cộng hưởng với dịch Covid-19, người dân đã thích nghi phần nào, hệ thống canh tác được cải thiện, chính quyền phản ứng sớm và linh hoạt hơn. “Nếu chúng ta nhìn nhận BĐKH là cơ hội thì nước mặn, ngọt, lợ đều là tài nguyên. Nước biển dâng thì tỷ lệ sản xuất nông nghiệp của hệ sinh thái mặn nhiều hơn, hệ sinh thái ngọt ít hơn. Như vậy ĐBSCL sẽ xuất khẩu tôm nhiều hơn lúa”, ông Thư nhìn nhận.
Vẫn theo ông Trần Anh Thư, để thực hiện thành công Nghị quyết 120, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số vấn đề. Đó là phân định ranh mặn ngọt để làm cơ sở xây dựng hệ thống canh tác hợp lý theo từng vùng khác nhau; đầu tư các công trình đa mục tiêu, vừa có thể trữ nước ngọt lại có thể điều tiết tiêu thoát lũ khi cần. Thực tế, trong 30 năm qua, Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế đã đầu tư khá lớn hệ thống hạ tầng thủy lợi, nên cần nghiên cứu để có thể cải tạo hệ thống sẵn có để thích nghi trong điều kiện BĐKH. Bên cạnh đó, nên xem xét sinh kế của người dân trước rồi tính toán xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp phát triển sinh kế, thay vì đầu tư hạ tầng tràn lan.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: MH |
Quy hoạch tạo đòn bẩy thu hút nguồn lực
Bộ KH&ĐT vừa công bố Dự thảo Quy hoạch ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Quy hoạch xác định 3 quan điểm chủ đạo.
Thứ nhất, tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái và chủ động thích ứng với BĐKH; coi nước mặn và nước lợ là nguồn tài nguyên cho sự phát triển thay thế cho quan điểm ứng phó, chống chọi, can thiệp sâu vào quy luật tự nhiên làm hủy hoại môi trường và hệ sinh thái.
Thứ hai, xem BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất; tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển Vùng theo hướng hiệu quả, bền vững.
Thứ ba, thay đổi tư duy về an ninh lương thực, xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường. Phát triển nông nghiệp chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp và trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.
Hiện chưa có một con số cụ thể về nhu cầu tài chính thực hiện quy hoạch trên, nhưng các chuyên gia dự báo có thể lên tới hàng tỷ đô la. Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nguồn tài chính hạn hẹp thì Việt Nam cần thiết phải xây dựng cơ chế tài chính cụ thể để thực hiện quy hoạch này. Trong đó, Chính phủ đóng góp một phần tài chính với vai trò dẫn dắt và đồng hành xuyên suốt, đồng thời, kêu gọi thêm các quỹ tài trợ, viện trợ phát triển bền vững toàn cầu. Bên cạnh đó là các nguồn quỹ đầu tư tư nhân và hình thức hợp tác công - tư. Họ rất quan tâm đến các dự án vừa bền vững vừa khả thi về mặt thương mại, có doanh thu và có thể nhân rộng, mở rộng được.
“Dự kiến vào cuối tháng 1, Hà Lan sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về thích ứng với BĐKH. Hội nghị sẽ khởi động Chương trình hành động thích ứng toàn diện trên quy mô toàn cầu, với các cam kết cụ thể, kết nối tài chính để triển khai hoạt động tại các quốc gia. Những bài học kinh nghiệm của Việt Nam từ chính sách đến hoạt động thực tế là sự chia sẻ quý báu gửi đến hội nghị sắp tới” - Đại sứ Elsbeth Akkerman nhấn mạnh.