Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình được khởi công xây dựng tháng 05/2011 tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp trên diện tích 23 ha với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và một phần vốn đối ứng trong nước. Nhà máy đi vào hoạt động chính thức vào năm 2014.
Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình ông Bùi Thanh Quang cho biết: Rác thải đầu tiên sẽ được tập kết rồi đi qua dây chuyền phân loại để tách các tạp chất như nilon, kim loại và các tập chất khác, chỉ giữ lại phần rác hữu cơ, sau đó đi vào hầm ủ phân. Tại đây sẽ phun chế phẩm sinh học để khử mùi, phân giải chất hữu cơ kết hợp với hệ thống nén khí để tạo điều kiện cho sinh vật hữu ích phát triển. Đồng thời, cũng tại hầm ủ nhiệt độ cao trong thời gian dài sẽ tiêu diệt rất nhiều vi khuẩn, mầm bệnh có hại. Qua thời gian 60 ngày trong hầm ủ liên hoàn sẽ cho ra sản phẩm cuối cùng là phân bón vi sinh. Phân vi sinh này chỉ là phân thô đang lẫn tạp chất nên phải qua hệ thống sàng để tạo thành phân vi sinh tinh sẵn sàng cung ứng cho thị trường. Hiện, Nhà máy xử lý rác có 2 hầm ủ, mỗi hầm có sức chứa 4.000 tấn rác/hầm, công suất đạt 1.000 tấn phân vi sinh/năm.
Công đoạn khó khăn nhất trong việc xử lý rác thải sinh hoạt thành phân vi sinh là phải phân loại bằng phương pháp thủ công |
Phân vi sinh này có hàm lượng hữu cơ cao trên 30%, có tác dụng cải tạo đất, làm đất tơi xốp, tăng hiệu quả sử dụng cho phân bón khác, tăng điều kiện sống làm cây phát triển, đặc biệt thích hợp với cây trồng trên cạn. Hiện bà con sử dụng phân của nhà máy để bón cho dứa và rau màu cho kết quả tốt.
Công nghệ sản xuất tiên tiến thế nhưng đầu ra cho phân vi sinh từ xử lý rác thải này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì là phân từ quá trình xử lý rác thải nên ban đầu tâm lý người dân và dư luận còn nghi ngờ về chất lượng. Tuy có giá thành rẻ hơn các loại phân khác trên thị trường (khoảng 1.200 đồng/kg) nhưng phân chế biến từ rác thải lại chưa có quy định về các hàm lượng trong phân nên chưa thể đăng ký nhãn mác cũng là điều khó khăn để tiếp cận thị trường.
Phân vi sinh từ việc xử lý rác thải chứa nhiều hàm lượng hữu cơ có tác dụng cả tạo đất, làm đất tơi xốp nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trên thị trường |
Từ năm 2015 đến nay, thị trường vẫn là nội địa phương thành phố Tam Điệp, chưa thể mở rộng ra cả tỉnh. Hiện nhà máy cũng đang tiến hành thử nghiệm trên một số nguyên liệu của phế phẩm nông nghiệp ủ kèm với phân vi sinh để nâng cao chất lượng của sản phẩm.
"Điều khó khăn nữa là rác thải chưa được phân loại tại nguồn nên gây rất nhiều khó khăn cho việc xử lý tại nhà máy, hầu như việc phân loại rác hữu cơ có ích để sản xuất phân đều là thủ công việc này làm giảm năng suất, tiêu tốn nhiều thời gian nhân công" - ông Quang cho biết thêm.