Giảm giá để cắt lỗ
Theo ghi nhận, gần đây, trên các trang mạng xã hội, internet xuất hiện rất nhiều thông tin rao bán cắt lỗ, cần tiền bán nhà gấp, giải cứu chủ nhà mùa Covid-19. Nhiều người rao bán lỗ đến 100 - 200 triệu đồng/căn hộ trong một thời gian dài nhưng vẫn không có người mua. Tình trạng rao bán giảm giá, cắt lỗ nhiều nhất tập trung từ các nhà đầu cơ, mua đi bán lại.
Anh Tuấn, một nhà đầu tư, mua đi bán lại chia sẻ, giữa năm 2019, tôi có mua căn hộ dự án ở quận 7, TP.HCM với giá hơn 4,2 tỷ đồng nhằm mục đích “lướt sóng”. Tôi thanh toán cũng được vài đợt nhưng vẫn chưa bán ra được, ban đầu có ý định mua đầu tư nên tài chính cũng có hạn. Không còn cách nào khác, tôi đành chấp nhận bán lỗ 150 triệu đồng nhưng số người hỏi mua rất ít.
Tương tự, chị Kim, cách đây gần 2 năm, chị đã mua căn hộ quận 2, TP.HCM để đầu tư nhưng do hoạt động kinh doanh khác gặp khó khăn, gần đây chị Kim rao bán gấp, bán cắt lỗ hơn giá thị trường 100 triệu đồng nhưng cả tháng nay không ai mua. “Vì do gặp dịch Covid-19 nên tôi phải vay ngân hàng để theo căn hộ này. Tuy nhiên, hiện tại, việc kinh doanh khó khăn, hàng tháng phải đóng lãi ngân hàng. Nhà thì không bán được, giảm giá cũng không ai mua. Vừa qua, tôi phải thanh lý hợp đồng, chấp nhận phạt của chủ đầu tư” - chị Kim than.
Anh Hoàng, một nhân viên môi giới khu vực TP.HCM cho biết, gần một tháng trở lại đây, rất nhiều chủ nhà cần bán gấp, bán cắt lỗ để lấy tiền bù cho hoạt động kinh doanh khác. Những căn nhà này thường được giảm từ 5-7%, có căn chủ nhà giảm 10% so với giá rao trước đó nhưng vẫn không có người mua.
Cũng theo anh Hoàng, các căn hộ thuộc khu Đông, quận 9, TP.HCM đang xây dựng xuất hiện rất nhiều hình thức nhà đầu tư giảm hàng trăm triệu đồng nếu có người mua lại. Từ cuối tháng 4 đến nay, một số trường hợp khách hàng F1 giảm tiền chênh lệch sang tay 150 - 200 triệu đồng cho khách hàng F2 với căn hộ 2 phòng ngủ.
Không riêng phân khúc căn hộ, hiện phân khúc đất nền cũng giảm giá khá mạnh, nhiều nơi giảm từ 10 - 20%. Theo ghi nhận, các thửa đất thuộc khu vực quận 9, các đây khoảng vài tháng một nền đất ở đây được “hét” giá 3,5 - 4 tỷ đồng/nền/100m2 tuỳ khu vực, nay giảm 200 - 500 triệu đồng/nền. Tương tự, phân khúc nhà xây sẵn nhiều nơi, giá nhà cũng đang giảm mạnh.
Các nhà đầu tư hạ giá sản phẩm nhưng số người mua vẫn rất ít |
Giao dịch thì sụt giảm
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, thời gian qua, lượng giao dịch nhà đất sụt giảm khoảng 70%, doanh thu của các doanh nghiệp sụt giảm khoảng 80%. Các doanh nghiệp BĐS và người mua nhà đều gặp khó khăn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm khoảng 10%. Song rất ít doanh nghiệp giảm giá nhà trong bối cảnh dịch Covid-19. Hiện chỉ có một số chủ đầu tư giảm giá nhỏ giọt để kích cầu cho những dự án lớn còn nhiều hàng tồn kho. Đây cũng chưa trở thành xu hướng giảm giá trên thị trường.
Theo Chuyên gia Kinh tế Lê Chí Nhân, hơn 3 tháng qua, toàn TP.HCM có 8.400 căn hộ được chào bán nhưng giao dịch thành công chỉ đạt khoảng 1.400 căn. Hiện tại, các sàn giao dịch căn hộ bình dân chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều nhà đầu tư phải cắt giảm tối đa chi phí để duy trì hoạt động bán hàng. Số tiền trả cho quảng cáo, tiếp thị cũng giảm từ 40-60%, từ đầu tháng 5 đến nay, lượng khách hàng giảm đáng kể và tốc độ giao dịch trên thị trường chậm lại. Phân khúc cao cấp bị ảnh hưởng nặng hơn bởi dòng tiền lớn. Cũng trong quý I/2020, nhu cầu tìm kiếm BĐS ở phân khúc căn hộ giảm trung bình 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo ông Nhân, trong quý I/2020 lượng tin đăng và mức độ quan tâm đối với căn hộ chung cư ở TP.HCM đều giảm nhưng giá rao bán của chủ đầu tư các dự án lại tăng. Kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu tìm kiếm phân khúc căn hộ giảm khoảng 16% so với quý trước. Loại hình căn hộ cao cấp và trung cấp sụt giảm mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây với số lượng tin rao bán sản phẩm giảm đến 25%, nhu cầu mua giảm từ khoảng 29-30% so với quý trước. Còn đối với giá nhà ở thứ cấp thì có xu hướng giảm trong tháng 3, 4/2020 mức giảm khoảng từ 5-10%.
Giám đốc một công ty chuyên phân phối sản phẩm đất nền ở các tỉnh vùng ven TP.HCM chia sẻ, việc nhà đầu tư chấp nhận cắt lãi, giảm bớt lợi nhuận mục đích để thu hồi vốn là khi họ bị đuối dòng tiền. Hiện tại, các nhà đầu tư có xu hướng không bung tiền dàn trải nữa mà họ gom tiền mặt về để kỳ vọng “săn” được tài sản có giá trị thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Vì vậy, thị trường BĐS thứ cấp bắt đầu xuất hiện tình trạng xả hàng rải rác ở nhiều dự án. Các nhà đầu tư cũng chấp nhận hạ biên lợi nhuận về mức khá thấp, đa phần đều dưới ngưỡng kỳ vọng.