Nhiều chuyên gia lo ngại xảy ra "khủng hoảng thiếu" nguồn cung trên thị trường BĐS |
Theo số liệu thống kê của batdongsan.com.vn đưa ra, tổng diện tích sàn xây dựng của các dự án đủ điều kiện mở bán tại Hà Nội và TP.HCM năm 2019 sụt giảm 52% so với năm 2018. Số lượng căn hộ đủ điều kiện mở bán trong giai đoạn từ 2020 - 2022 được dự báo sẽ khó đạt được mức đỉnh như giai đoạn 2017 - 2018.
Những con số thống kê về chỉ số sụt giảm nguồn cung mới trầm trọng cũng được các tổ chức nghiên cứu thị trường như Savills, CBRE, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam... chỉ ra. Nguyên nhân của sự giảm sút nguồn cung được cho là đến từ vướng mắc về thủ tục hành lang pháp lý và cuộc rà soát, thanh tra của các cấp chính quyền.
Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS, thời gian qua tại TP.HCM các cơ quan ban ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và chính quyền. Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng liên tục gửi văn bản kiến nghị, đề xuất tháo gỡ các dự án đứng hình nhiều năm.
Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng liên tiếp gửi đơn thư cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sự tham gia của tất cả các bên dường như vẫn chưa thể gỡ rối khi mà có rất nhiều những quy định chồng chéo vẫn chưa có phương án khắc phục.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu không kịp thời tháo gỡ thì có nguy cơ thị trường rơi vào giai đoạn “khủng hoảng thiếu”. Được hiểu là tình trạng khan hiếm hàng hóa dẫn tới không đáp ứng lực cầu của khách hàng.
Theo đó, khi tình trạng khan, thiếu hàng thật sự diễn ra. Hệ lụy sẽ là tình trạng giá tăng cao, người mua không thể tiếp cận nhà ở, doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ, thị trường BĐS sẽ “đóng băng”, từ đó dẫn tới tình trạng suy thoái nguồn thu ngân sách. Kịch bản này đã được Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận diện và cảnh báo nguy cơ khủng hoảng về nguồn cung mà nguyên nhân đến từ vướng mắc của thủ tục hành chính.
Nhìn lại giai đoạn 2011- 2013, thị trường BĐS “đóng băng” đến từ sự khủng hoảng thừa nguồn cung. Đây cũng là một dạng khủng hoảng nhưng dường như mức độ nhẹ hơn so với “khủng hoảng thiếu”. Đó là giai đoạn mà các dự án ra đồng loạt, được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nguồn tín dụng ngân hàng. Hệ lụy của nó là nguồn cung quá lớn, nguồn cầu không theo kịp dẫn tới vỡ bong bóng, khủng hoảng. Ngân hàng phải đối mặt với tình trạng nợ xấu, đổ vỡ và chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng BĐS “đóng băng”.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bung dự án mới khi được cơ quan chức năng cấp phép |
Ông Phạm Lâm, Giám đốc Công ty DKRA Vietnam từng thừa nhận, chưa có năm nào thị trường BĐS lại khan hiếm nguồn hàng như năm nay. Điển hình là trong báo cáo Quý 4/2019 từ đơn vị này không có nhiều tiến triển về nguồn cung.
"Mặc dù thị trường cũng đã có dấu hiệu lạc quan khi chính quyền TP.HCM công bố một số giải pháp về phương án tháo gỡ nguồn cung, nhưng để giải pháp này được triển khai trên thực tế còn phụ thuộc vào các cơ quan thực thi và chưa thể biết rõ thời điểm. Điều này khiến doanh nghiệp bị ứ đọng hàng hóa và chôn vốn, phát sinh chi phí tài chính (lãi vay), dẫn đến giá thành sản phẩm đội lên", ông Lâm nói.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhận định, việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án, hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch BĐS giảm. Mặt khác, công tác quy hoạch, đền bù, phê duyệt dự án bị siết chặt, dẫn đến các doanh nghiệp có quỹ đất mà không thể triển khai dự án dù thị trường rất cần.
Ở góc nhìn khác, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, rất khó để dự đoán chính xác khi nào các chính sách về nguồn cung sẽ được nới lỏng. Tuy nhiên, có thể nhận thấy một xu hướng trên thị trường, đó là rất nhiều chủ đầu tư luôn sẵn sàng ra mắt dự án mới trong một khoảng thời gian ngắn ngay khi có được sự đồng ý về giấy phép của cơ quan quản lý.