Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén

Bài và ảnh: Thục Vi| 23/04/2020 10:33

(TN&MT) - Từ đầu năm đến nay, nguồn cung và tỷ lệ giao dịch trên thị trường bất động sản (BĐS) cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đều giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song, theo nhận định của giới chuyên môn, thị trường BĐS chỉ bị chững lại trong ngắn hạn và sẽ sôi động trở lại ngay khi Việt Nam và thế giới đẩy lùi được dịch bệnh.

BĐS tạm “ngủ đông”

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS đã trải qua nhiều khó khăn trong suốt 2 năm qua, nay lại chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên rơi vào tình trạng trầm lắng, nguồn cung hạn chế, thanh khoản của nhiều phân khúc cũng sụt giảm đáng kể. Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, trong quý I/2020, toàn Thành phố chỉ có 6 dự án mới mở bán, nguồn cung sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong quý I/2020, trên toàn quốc có khoảng trên 8.300 căn hộ mới được mở bán. Trong đó, TP.HCM chiếm gần một nửa và khoảng 5.800 sản phẩm đất nền. Ngoài sụt giảm nguồn cung, thanh khoản ở nhiều phân khúc BĐS cũng sụt giảm so với năm 2019, nhất là phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Lượng giao dịch các sản phẩm biệt thự, chung cư, nhà phố ở các khu đô thị chỉ bằng một nửa so với thời điểm cuối năm 2019.

Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS tạm thời đang trong tình trạng "ngủ đông" do dịch bệnh, mọi động thái hiện thời của chủ đầu tư (CĐT) và nhà đầu tư (NĐT) là nghe ngóng, chờ đợi. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và sớm bị đẩy lùi thì thị trường sẽ có một "cơn sóng" bùng nổ vào quý 3/2020 hoặc cuối năm 2020, khi mà nhu cầu bị nén lại quá lâu như một cái lò xo.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS sẽ bật trở lại sau một thời gian bị nén do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đặc biệt, đối với phân khúc nhà ở, dưới tác động của dịch Covid-19 đã khiến thị trường BĐS chững lại nhưng với lực cầu lớn; đồng thời, BĐS được xem như nhu cầu thiết yếu thì sự sôi động của phân khúc nhà ở này sẽ sớm trở lại ngay sau khi Việt Nam và thế giới đẩy lùi được dịch bệnh. Thậm chí, ngay trong đại dịch, khi có nhu cầu về nhà ở cao, giao dịch vẫn diễn ra dù không sôi động.

Thực tế, trên thị trường BĐS hiện nay, nhiều người dân vẫn tiếp tục tìm kiếm nhu cầu nhà ở. “Ở một khía cạnh nào đó, giai đoạn này cũng tạo cơ hội cho những người có nhu cầu thật. Bởi trong thời điểm hiện nay, sẽ có nhiều lựa chọn ưng ý, ít cạnh tranh và có khả năng nhận được những ưu đãi tốt từ các CĐT dự án. Những người có nhu cầu ở thật còn có cơ hội để mua được BĐS với giá cả hợp lý và không sợ bị ảnh hưởng bởi giới đầu cơ hay đầu tư lướt sóng” - ông Nguyễn Minh Xuân, một nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp cho biết.

Thị trường sẽ bật lên

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam nhận định, không vì thị trường BĐS khó khăn mà NĐT rời bỏ thị trường. Dòng tiền của NĐT có thể phân bổ nhiều nơi, nhiều kênh khác nhau. Với những NĐT có kinh nghiệm ở lĩnh vực BĐS lâu năm, chắc chắn họ sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Mặc dù, cách phân bổ dòng tiền của họ sẽ theo xu hướng chắc chắn, an toàn hơn nhưng bỏ tiền vào BĐS cũng chính là cách họ gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất.

Cùng quan điểm, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam cho hay, khó khăn của thị trường BĐS trong những tháng đầu năm 2020 sẽ là tiền đề giúp các tháng còn lại năm 2020 và các năm tiếp theo phát triển bền vững. Thị trường BĐS sẽ mở ra cơ hội cho NĐT, người mua ở thật sở hữu được các BĐS pháp lý chuẩn, CĐT uy tín. Thách thức của thị trường BĐS là trong ngắn hạn, trong khi cơ hội là ở dài hạn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, các doanh nghiệp địa ốc cần nỗ lực gấp đôi để cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hiện nay, dưới tác động của dịch bệnh, thị trường BĐS đang như chiếc lò xo bị nén, chỉ chờ thời điểm để bật lên mạnh mẽ. Bởi tâm lý khách hàng và cả NĐT đang bị trùng xuống do ảnh hưởng tâm lý từ dịch bệnh. Một khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường sẽ cùng lúc đón nguồn cầu mạnh mẽ cả khách hàng lẫn NĐT.

Theo ông Châu, thời điểm hiện tại là lúc doanh nghiệp BĐS nên ở trong giai đoạn chuẩn bị tích cực cơ cấu lại sản phẩm coi trọng phát triển nhà ở. Nhà nước nên có những chính sách xem xét tháo gỡ các vướng mắc về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, gồm: Đất ở, đất nông nghiệp…; xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại để tạo điều kiện cho thị trường BĐS phục hồi tốt nhất sau dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO