Biến đổi khí hậu

Theo sát diễn biến, kịp thời cảnh báo hạn mặn

Khánh Ly (thực hiện) 02/04/2024 11:53

(TN&MT) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong cao điểm mùa khô, hạn mặn gay gắt trên diện rộng.

Công tác dự báo, cảnh báo đang được triển khai tích cực nhằm bắt kịp với diễn biến khô hạn, xâm nhập mặn và giúp các địa phương chủ động lên phương án phòng chống.

5a.jpg
Ông Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Hoàng Văn Đại - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về diễn biến hạn, mặn ở khu vực ĐBSCL thời gian qua?

Ông Hoàng Văn Đại: Từ đầu mùa khô năm 2023 - 2024, ở ĐBSCL đã xảy ra 3 đợt xâm nhâp mặn tăng cao từ 8 - 13/2, từ 10 - 14/3 và từ 22 - 28/3.

Qua theo dõi diễn biến ranh mặn, xâm nhập mặn năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và năm 2023. Xâm nhập sâu nhất xuất hiện vào đợt từ ngày 8 - 13/3 với ranh mặn 4o/oo vào sâu 40 - 66km, có nơi sâu hơn, ranh mặn 1o/oo tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70 - 76km tùy theo sông. Đặc biệt tại khu vực Bến Tre, xâm nhập mặn tương đương năm 2016, sông Cổ Chiên sâu hơn năm 2016. Đợt triều ngày 23 - 24 (15/2 âm lịch) đã đẩy mặn vào sâu nên thời gian giảm mặn sẽ diễn ra dài ngày. Bên cạnh đó, các kênh rạch một số tỉnh ĐBSCL đang khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn tiếp tục tại một số tỉnh Nam sông Hậu. Điều này có thể gây bất lợi đối với công tác sản xuất lúa, bởi cuối tháng 3 là thời điểm các tỉnh ĐBSCL chuẩn bị kết thúc thu hoạch và sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa Hè thu 2024.

Nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL trước hết là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực ĐBSCL hầu như không mưa (hụt chuẩn từ 60 - 95%), ngày nắng kéo dài làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi. Đồng thời nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL ở mức thấp hơn TBNN, kết hợp với thời kỳ triều cường đã đẩy mặn vào sâu nội đồng.

5b.jpg
Đồng bằng sông Cửu Long đang trong thời gian cao điểm mùa khô

PV: Với diễn biến hạn mặn gay gắt như thời gian vừa qua, trước đó, công tác dự báo, cảnh báo hạn mặn đã được triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Đại: Qua dự báo tình hình lũ ở phía thượng nguồn và diễn biến El Nino, ngay từ trước mùa kiệt năm 2023 - 2024, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn kết hợp với tăng cường công tác truyền tin.

Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ đã chủ động theo dõi, cảnh báo sớm khu vực nào ở BĐSCL chịu tác động để cung cấp thông tin sớm nhất có thể để đến với người dân, chính quyền địa phương để có kế hoạch trong sản xuất. Nhờ đó, một số địa phương đã chủ động xuống giống sớm, né mặn, tích trữ nước.

Hiện nay, cơ quan khí tượng thủy văn thường xuyên cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn định kỳ cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tại địa phương. Khi mặn tăng đột xuất, có bản tin tăng cường để phục vụ kịp thời. Các thông tin được chuyển tải trên Zalo, Facebook, nhóm phòng chống thiên tai địa phương.

Các bản tin dự báo xâm nhập mặn với tần suất 10ngày/bản tin, dự báo độ mặn cao nhất đến từng điểm quan trắc, dự báo ranh mặn 1o/oo và 4o/oo đến từng sông chính trên địa bàn tỉnh số liệu độ mặn được cập nhật gửi đến các địa phương hàng ngày tại các điểm quan trắc.

Chúng tôi cũng lưu ý các khu vực không thường xuyên bị tác động bởi xâm nhập mặn, nhất là vùng cây ăn trái, bà con nên kiểm tra độ mặn khi sử dụng nước để tránh thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trong thời gian cao điểm này.

PV: Từ nay đến cuối mùa khô sẽ còn xảy ra bao nhiêu đợt xâm nhập mặn, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Đại: Mùa mưa tại Nam Bộ khả năng sẽ đến muộn hơn so với TBNN, khoảng từ tuần giữa tháng 5. Do vậy, thời gian tới, nắng nóng gay gắt vẫn sẽ xảy ra tại khu vực này với nền nhiệt cao.

Từ nay đến cuối mùa hạn mặn năm 2024, lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mê Công về ĐBSCL tiếp tục thiếu hụt so với TBNN và sẽ còn khoảng 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ ngày 8 - 14/4, 23 - 28/4, 6 - 12/5).

Khả năng đợt xâm nhập cao nhất vào thời kỳ 8 - 14/4, với ranh mặn 4g/l tại các cửa sông ở mức cao hơn TBNN và cao hơn năm 2023. Cụ thể, trên các sông Vàm Cỏ ranh mặn từ 80 - 100km, các cửa sông Cửu Long từ 48 - 70km, sông Cái Lớn từ 50 - 57km, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, sản xuất nông nghiệp tại khu vực. Các tỉnh bị tác động nhiều nhất là Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau.

PV: Nguy cơ thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt đã hiện hữu. Ông có lời khuyên gì cho các địa phương trong thời gian xảy nắng nóng, xâm nhập mặn, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Đại: Trước hết, chính quyền địa phương, các cơ quan có trách nhiệm phòng chống thiên tai cần khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước, tránh làm ô nhiễm nguồn nước để đảm bảo nguồn nước có chất lượng tốt phù hợp với nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt, các các ngành. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo nguồn nước, thuỷ triều, xâm nhập mặn.

Các địa phương tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, rà soát, kiểm soát các công trình lấy nước, đồng thời cần kiểm tra chất lượng nước tại các khu vực ít xảy ra xâm nhập mặn để tránh các sự cố.

Trước diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn các tháng còn lại của mùa khô 2024 vẫn còn khá gay gắt và phức tạp, việc theo dõi, dự báo để có giải pháp phối hợp ứng phó với hạn, mặn ĐBSCL cần được quan tâm, để các tỉnh thành chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế và an sinh xã hội trong toàn khu vực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Theo sát diễn biến, kịp thời cảnh báo hạn mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO