Cùng dự có Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái; Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Tổng cục. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến các Đài KTTV khu vực: Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng |
Bão đã vào Biển Đông, gió giật cấp 17
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, chiều nay (17/12), bão RAI đã vượt qua phía Bắc đảo Pa-la-oan (Philippines) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021.
Hồi 16 giờ ngày 17/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 500km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 16 giờ ngày 18/12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 113,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/giờ), giật cấp 17.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 8,0 đến 14,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 16 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão ngay trên vùng biển ngoài khơi Bình Định - Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 15.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng |
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 8,5 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 16 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 300km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Trong 96 đến 120 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đổi hướng di chuyển theo hướng Đông, mỗi giờ đi được 10-15km, cường độ áp thấp nhiệt đới tiếp tục có xu hướng giảm dần.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa): cấp 4.
Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trần Quang Năng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng |
Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia), do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10; ở vùng biển Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao nhất từ 8,0-10,0m; biển động dữ dội.
Từ ngày 19/12, ở vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội.
Về tình hình mưa lớn, ông Trần Quang Năng cho biết, từ đêm mai (18/12) đến hết ngày 19/12, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa sẽ có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng |
Bám sát diễn biến của bão
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ cho biết, hôm nay, ở đảo Phú Quý đã có gió giật 16m/s, đảo Song Tử Tây khí áp lúc 19g giảm 2,7mg, thời tiết chưa có nhiều chuyển biến. Hiện nay, hầu hết các hồ chứa các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận đạt dung tích chứa từ 80-90%, nhiều hồ đạt dung tích đầy nước. Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã ban hành văn bản chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai của các huyện, thị chủ động công tác phòng chống bão.
Cụ thể, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cảng Quy Nhơn tăng cường công tác sắp xếp, neo đậu an toàn; thực hiện cấm biển từ 17 giờ hôm nay. Tỉnh Phú Yên có 4 công trình đề kè biển, bờ sông đã hoàn thành, đảm bảo khả năng phòng chống bão; tỉnh đã có lệnh cấm biển từ 0 giờ ngày 18/12; trước 15 giờ ngày mai phải sơ tán người trên các lồng bè lên bờ. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn, cấm đánh bắt trên biển từ 18 giờ ngày 17/12; hoàn thành việc sơ tán người dân trên các lống bè trong ngày mai.
Hệ thống trạm, ra đa của Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ hiện đang hoạt động ổn định, sẵn sàng cho công tác dự báo.
Đồng tình với các nhận định về cơ bão số 9 từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, lãnh đạo Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ cho biết, hiện nay nhân lực và tất cả các phương tiện kỹ thuật của Đài đều đặt trong tình trạng sẵn sàng cho công tác dự báo bão. Các địa phương trong khu vực cũng đã có thông báo đến tàu thuyền đánh bắt trên biển về diễn biến của bão, để chủ động vào bờ, tìm nới tránh trú an toàn.
Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng |
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, bão số 9 có thể là một trong những cơn bão cuối cùng năm 2021, có những bất thường. Hiện, còn nhiều dự đoán về hướng di chuyển của bão, tuy nhiên luôn phải đề phòng cả phương án hướng bão có thể đi sâu vào đất liền. Tuy nhiên, dù theo phương án nào, thì vùng biển từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên sẽ bị ảnh hưởng lớn, gió có thể lên cấp 8, cấp 9. Do đó, Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ cần hết sức chú ý, thông tin cụ thể, kịp thời đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh để có phương án phòng ngừa. Cùng với đó, các đơn vị chuyên môn của Tổng cục cần có phân tích kỹ lưỡng, đưa ra dự báo về nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Hoan nghênh tinh thần làm việc tập trung, nghiêm túc của Tổng cục KTTV, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, các đơn vị dự báo của Tổng cục cần lưu ý sử dụng triệt để số liệu của các giàn khoan và 2 ra đa. Dựa vào các số liệu quan trắc, kịp thời đưa ra các dự báo về các diễn biến bất thường của bão. Đặc biệt, cần chú ý đến công tác dự báo phòng tránh cho các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Cù Lao Chàm, đảo Cồn Cỏ. Chú ý cảnh báo giông gió mạnh khu vực ven biển Bắc Khánh Hòa, Nam Phú Yên, Bình Định, cảng Quy Nhơn… Đồng thời, các đơn vị của Tổng cục cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, theo dõi sát sao, trực ban nghiêm túc để đưa ra các bản tin dự báo chính xác, kịp thời trong những ngày tới.