Quy định rõ đối tượng, quy trình
Dự thảo luật BVMT sửa đổi sẽ quy định rõ mức độ đánh giá tác động môi trường đối từng nhóm dự án (rất cao, cao, trung bình và thấp) phải thực hiện ĐTM sơ bộ trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và ĐTM trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo đầu tư; dự án phải thực hiện ĐTM trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo đầu tư; dự án chỉ phải thực hiện ĐTM đơn giản trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo đầu tư hoặc dự án không phải thực hiện ĐTM.
Thực tế hiện nay, do có những bất cập trong các quy định của Luật BVMT về cơ sở xác định đối tượng, mức độ đánh giá tác động môi trường nên có những dự án không tác động lớn đến môi trường lại phải thực hiện ĐTM, trong khi đó, có những dự án tác động lớn đến môi trường lại chỉ phải lập kế hoạch BVMT hoặc không phải ĐTM. Vì vậy, dự kiến, sửa đổi Luật sẽ quy định rõ các tiêu chí xác định đối tượng và mức độ ĐTM dựa trên các yếu tố loại hình, quy mô hoạt động phát triển (dự án đầu tư) và mức độ nhạy cảm của môi trường nơi thực hiện dự án để xác định đối tượng, mức độ ĐTM đối với từng hoạt động phát triển (dự án đầu tư).
Về thời điểm thực hiện ĐTM sẽ quy định rõ việc đánh giá tác động môi trường sơ bộ thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Về nội dung sẽ quy định rõ, đầy đủ, phù hợp theo loại hình hoạt động phát triển (dự án đầu tư), mức độ nhạy cảm của môi trường (nơi thực hiện dự án đầu tư). Đồng thời, cũng quy định các yêu cầu về quy trình, thủ tục thực hiện ĐTM và yêu cầu đối với tổ chức thực hiện ĐTM.
Bên cạnh đó, sẽ quy định rõ và đầy đủ về vị trí, vai trò, yêu cầu đối với báo cáo ĐTM, hình thức thẩm định và chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước cho phù hợp với bản chất là nguồn thông tin đầu vào để quản lý môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở lý luận và thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Loại bỏ các giấy phép không phù hợp
Trước yêu cầu của thực tiễn, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh chồng lấn giữa nhiều công cụ, được thực hiện bởi nhiều cơ quan khác nhau gây khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí của chủ đầu tư. Tổng cục Môi trường dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung, quy định thống nhất về giấy phép môi trường theo hướng sử dụng hệ thống giấy phép liên thông, tích hợp, thống nhất, giảm số lượng các thủ tục hành chính về môi trường đối với từng dự án đầu tư. Để thực hiện điều này Tổng cục đề xuất sửa đổi, bổ sung các Điều 65a, Điều 65b, Điều 65c quy định về giấy phép về môi trường vào Chương VII (BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ).
Theo đó, bổ sung các nội dung về: Đối tượng phải có giấy phép môi trường; vai trò, vị trí của giấy phép môi trường (là công cụ quản lý môi trường thống nhất đối với cơ sở khi đã đi vào giai đoạn hoạt động; là căn cứ để các cơ sở thực hiện các biện pháp BVMT và để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm); nội dung của giấy phép môi trường (có thể quy định phù hợp với đặc thù đối với từng loại ngành, nghề khác nhau; nhóm đối tượng với mức độ tác động môi trường khác nhau). Các quy định này sẽ thay thế toàn bộ các quy định về giấy phép, thủ tục về môi trường đối với dự án trong giai đoạn hoạt động đang được quy định tại Luật BVMT và các luật khác có liên quan.