Thành phố Sơn La giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Nguyễn Nga| 11/03/2023 21:21

(TN&MT) - Đây là chủ đề Hội thảo do Thành ủy Sơn La tổ chức ngày 11/3, nằm trong chuỗi các sự kiện Lễ hội Mùa hoa ban Thành phố năm 2023.

Những kết quả bước đầu

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, thành phố Sơn La có trên 111.000 người, với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa mang sắc thái riêng, tạo nên kho tàng văn hóa độc đáo, phong phú và hết sức quý giá cho thành phố.

1.jpg

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Trung Chiến khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố (nhiệm kỳ 2020-2025), Đề án 04 -ĐA/TU ngày 20/8/2020 của Thành ủy Sơn La đã xác định nhiệm vụ: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Thành phố, mang đậm bản sắc các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của cả nhiệm kỳ.

Từ năm 2020 đến nay, Thành phố đã triển khai phong trào mặc trang phục dân tộc đến công sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên; truyền dạy, phổ biến các điệu xòe Thái; thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái; phục dựng, duy trì các lễ hội gắn với quảng bá văn hóa, sản xuất của thành phố.

Tổ chức truyền dậy cho các thế hệ trẻ về các làn điệu dân ca, dân vũ, giữ gìn nếp sống văn minh, nét đẹp trong ứng xử của cộng đồng dân tộc… Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở.

Qua đó, đã có 280 đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả; thành lập 14 Câu lạc bộ văn hóa dân tộc thái; 1 phường đạt kiểu mẫu, 1 phường đạt tiêu biểu, điển hình về ANTT và văn minh đô thị… Trên 95% hộ đạt gia đình văn hóa; gần 98% tổ, bản, tiểu khu đạt văn hóa; 99,5% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt văn hóa; trên 50% dân số thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại.

2.jpg

Những năm qua, thành phố Sơn La luôn quan tâm triển khai công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Những con số, tỷ lệ phần trăm tăng nhanh trong các chỉ tiêu văn hóa cho thấy sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cùng chung tay, góp sức đắp xây thành phố Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững. Đưa hình ảnh thành phố Sơn La – thành phố hiện đại, năng động, với những đặc trưng, bản sắc đậm đà văn hóa các dân tộc, mời gọi bạn bè, du khách thập phương đến với mảnh đất, con người thân thiện, nghĩa tình.

Tuy nhiên, hiện nay, nguy cơ mai một về tiếng nói, chữ viết đang hiển hiện, tỷ lệ giới trẻ biết nói tiếng và viết chữ của dân tộc mình ngày càng ít. Trang phục truyền thống cũng đang bị mai một, các nguyên liệu may trang phục, hay kiểu dáng đang bị cách điệu quá đà. Diện tích xây dựng nhà ở ngày một thu hẹp, các vật liệu xây dựng nhà ở truyền thống ngày một hiếm. Các món ăn nhanh, lối sống công nghiệp đang đe dọa các nét đẹp, đặc trưng trong ẩm thực dân tộc…

Hội thảo đã tập trung vào 4 nội dung chính, gồm: Quán triệt sâu sắc phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2022; Làm rõ những giá trị về văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Thành phố;

Thực trạng việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Thành phố Sơn La; Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của các dân tộc thành phố.

3.jpg

Chú trọng giữ gìn tiếng nói, chữ viết các dân tộc

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết của các nhà nghiên cứu văn hóa, những nghệ nhân ưu tú trong công cuộc gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.

Là người dân tộc Thái đen sinh ra và lớn lên ở Sơn La, từ năm 6 tuổi, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Mai đã gắn bó với những làn điệu dân ca của dân tộc Thái. Từ năm 2012 đến nay, bà Mai đã mở lớp dạy chữ Thái, hát Thái từ người trẻ đến già; các cấp, các ngành cần mở rộng, có thêm những lớp truyền dạy ngôn ngữ, làn điệu dân ca... mới có thể lưu giữ được mãi mãi.

Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Nhà giáo ưu tú Trần Luyến cho rằng, để phát triển sự nghiệp văn hóa phù hợp với tình hình, mức độ phát triển KT-XH địa phương, thành phố Sơn La cần tiếp tục giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc hiện có; phục dựng, duy trì lễ hội truyền thống; giữ gìn, bảo tồn trang phục truyền thống gắn với phục dựng làng nghề thêu, dệt thổ cẩm; phát triển văn hóa ẩm thực các dân tộc; phát triển dân ca, dân vũ…

4.jpeg

Sơn La duy trì tổ chức Lễ hội Mùa hoa ban; Hội Xuân dân Bác; phổ biến các điệu Xoè Thái… góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa các dân tộc.

Để giữ gìn, phát huy hiệu quả giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thành phố, trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai kiểm kê, sưu tầm, giữ gìn, phát huy, nâng cao bản sắc theo 3 nguyên tắc: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Xây dựng các giá trị chuẩn mực góp phần phát huy nét đẹp văn hoá con người thành phố Sơn La, góp phần xây dựng thành phố giàu bản sắc, bình yên, thân thiện.

Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, gồm: Phát triển, duy trì các hoạt động các Câu lạc bộ văn hóa dân tộc với mục tiêu mỗi xã, phường thành lập ít nhất 5 Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức truyền dạy trong cộng đồng dân tộc. Duy trì tổ chức các lễ hội hàng năm như: Lễ hội Hoa ban, Hội Hạn Khuống, Hội xuân dâng Bác…

Phục dựng lễ hội Xên bản kết hợp tổ chức ngày Đại đoàn kết toàn dân. Nghiên cứu phục dựng, tái hiện thực cảnh một số lễ hội khác như: Lễ hội cầu mưa, lễ hội xuống đồng. Kịch bản hóa, sân khấu hóa các trích đoạn của các tác phẩm văn học nghệ thuật của dân tộc như “Sống chụ xon xao”; “Khun Lu Nàng Ủa”, “Hiến Hom”…

Đưa vào trường học quy định học sinh sẽ mặc trang phục dân tộc đến trường ít nhất 1 lần/tuần. Cán bộ, công chức, viên chức mặc trang phục dân tộc đến cơ quan, công sở ít nhất 1 lần/tuần vào ngày đầu tuần và duy trì thành nề nếp.

Tổ chức lồng ghép các cuộc thi ẩm thực vào chương trình các lễ hội, hội thi trong năm. Khuyến khích các nhà hàng, homestay, nhà nghỉ cộng đồng trên địa bàn thành phố bảo tồn, giữ gìn và phát triển món ăn truyền thống dân tộc.

Bảo tồn, duy trì phổ biến 6 điệu xoè, nhảy Tha kềnh, múa Chuông… Tổ chức phổ biến truyền dạy cho thế hệ trẻ hoặc đưa vào các giờ ngoại khóa trong trường học một số tác phẩm văn học dân gian, những lời răn dạy có ý nghĩa giáo dục cao như: koãm chiễn lang (tục ngữ, thành ngữ), koãm xon kỗn (lời răn dạy), câu đố; lan nọi ỉn khắp (đồng dao, vè); sống chụ xon xao (tiễn dặn người yêu), Khun Lu Nàng Ủa (Tạo Khun Lú và Nàng Ủa)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Sơn La giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO