Thanh Oai – Hà Nội: Chính quyền xã chưa giải quyết dứt điểm công trình xây dựng trái phép lấn sông, lấp hồ 

Khương Trung| 10/01/2020 13:08

(TN&MT) - Xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai (Hà Nội) có tới 70 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Nhiều công trình có được từ việc lấp sông Nhuệ, lấp hồ thủy lợi trái phép.

Lấn sông, lấp hồ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Là xã thuần nông có nghề phụ truyền thống, xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai, Hà Nội) từ lâu được cả nước biết đến với làng nghề cơ khí sản xuất, dập, gia công… bu-lông, ốc vít đầu tiên ở Việt Nam. Khoảng gần 100% các hộ dân trong làng mở xưởng cơ khí, gia công cho khách ăn mối từ khắp cả nước.

Với việc mở rộng phát triển làng nghề, trong khi quỹ đất lại hạn chế khiến tình trạng lấn sông, lấp hồ, xây dựng công trình nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp "nở rộ" trong vài năm gần đây tại xã Thanh Thùy.

Con đường vào thôn Rùa Hạ nằm liền kề với trụ sở UBND xã Thanh Thùy, là trục đường huyết mạch dẫn tới các nhà xưởng của làng nghề cơ khí thôn Rùa Hạ. 

Ngay sau cổng làng văn hóa thôn Từ Am là hai nhà xưởng màu xanh xây dựng trên diện tích đất công

Người dân ở đây cho biết, trước đây, khu dân cư của thôn Rùa Hạ tập trung ở một phía, nửa còn lại là khu vực đầm hồ, khu vực đất nông nghiệp. Vài năm gần đây, tình trạng xây dựng trái phép diễn ra phổ biến ở khu vực này.

Theo người dân địa phương, khu vực đầm Vực ngay đầu thôn Rùa Hạ, liền kề với trụ sở UBND  xã, trước kia là đầm bãi, thùng đấu cho thuê ngắn hạn, thời hạn 5 – 7 năm. Thế nhưng, hai năm trở lại đây đã được san lấp, phân lô. Với vị trí thuận tiện ở ngay đầu làng, gần đường quốc lộ, nhất là khi tuyến đường Hà Đông – Thanh Oai nối với Quốc lố 1A lên Pháp Vân – Cầu Giẽ hoàn thành, giá trị khu đất này được đẩy lên mức giá 30 – 40 triệu đồng/m2 – một mức giá không hề thua kém nhiều vị trí thuộc các quận nội đô.

Tại khu đất rộng lên tới vài ha này, nhiều công trình kiên cố đã được xây dựng. Việc mua bán, chuyển nhượng được thực hiện qua tay nhiều người. Điều khó lý giải, đó là một số hộ dân đã được cấp bìa đỏ xác nhận quyền sử dụng đất đối với khu vực lấn chiếm, lấp đầm Vực trái phép. 

Khu vực đổ vật liệu xây dựng để lấp hồ, ao

Người dân thôn Rùa Hạ cho biết, đây là các công trình nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất thùng vũng, đầm bãi… Các công trình sau phạm này được kéo dài từ thôn Rùa Hạ sang thôn Từ Am, dọc con đường này các công trình xây dựng trái phép đều dễ nhận ra với lối thi công: chân xây gạch, từ ngang trở lên quây kín tôn xanh… 

Tại một khu vực khác, vị trí này trước đây là diện tích đầm xã cho người dân đấu thầu mặt nước nuôi trồng thủy sản, nay đã thành khu đất rộng được đổ móng bê tông trong trạng thái chờ xây dựng tiếp.

Khu đất đang được xây trên diện tích hồ trước đây cho người dân đấu thầu nuôi trồng thủy sản, lãnh đạo xã Thanh Thùy giải thích đây là khu vực được quy hoạch làm chợ.

“Những vi phạm về trật tự xây dựng như thế này ai cũng biết. Nhưng không hiểu vì sao xã chậm xử lý, điều khó hiểu hơn là nhiều công trình được cấp sổ đỏ, mua đi bán lại, sang tay qua rất nhiều người” – một người dân thôn Rùa Hạ cho biết.

Tình trạng lấn chiếm đất công, vi phạm trật tự xây dựng ở xã Thanh Thùy đã diễn ra từ lâu vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thế nhưng, điều khiến người dân bức xúc hơn là một số vị trí trước đây lấn chiếm, thậm chí là được xã cấp đất sai đang có dấu hiệu được hợp thức hóa để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cả xã có hơn 70 công trình vi phạm trật tự xây dựng

Thừa nhận thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Tuế - Chủ tịch UBND xã Thành Thùy (huyện Thanh Oai) cho biết: Vấn đề này xã đã nhiều lần xử lý nhưng vẫn tồn tại, chưa giải quyết dứt điểm được.

Theo ông Nguyễn Đức Tuế, các công trình vi phạm trật tự xây dựng của xã này là hơn 70 trường hợp; có thực tế lấn sông Nhuệ làm nhà ở, nhà xưởng kiên cố; nhiều khu vực lấp đầm, lấp thùng đấu, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.

Ông Nguyễn Đức Tuế cho rằng, đây là vấn đề mang tính lịch sử, từ nhiệm kỳ chủ tịch xã trước khi ông đảm nhiệm. Việc giao đất trái thẩm quyền khiến việc xử lý những tồn tại như trên là rất khó khăn. 

Những công trình vi phạm đang được xây kiên cố

Ông Tuế cũng cho biết, giải pháp hiện nay của UBND xã Thanh Thùy là đã gửi kiến nghị lên UBND huyện Thanh Oai thành lập đoàn thanh tra, xem xét hồ sơ, thực trạng của từng thửa đất, vị trí đất, nếu khu vực nào có đủ kiều kiện để cấp giấy CNQSDĐ cho người dân thì sẽ hướng dẫn.

Khi đặt vấn đề đề nghị UBND xã Thanh Thùy cung cấp các hồ sơ, văn bản liên quan đến việc xã chỉ đạo xử lý các công trình sai phạm, lấn chiếm đất nông nghiệp, ông Tuế từ chối và cho rằng sẽ chịu trách nhiệm trước những thông tin do mình phát ngôn.

Về việc quây móng bê-tông kiên cố để lấp hồ đầm Vực lên tới hàng hecta, ông Tuế cho hay, đó là dự án lấy mặt bằng làm chợ Thành Thùy. Tuy nhiên, ông Tuế không cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan đến dự án, chỉ cho biết đã chi phí gần 7 tỷ đồng tiền san lấp, thi công nền móng. Do ngân sách hết, tới đây sẽ tổ chức đấu thầu, xã hội hóa dự án này.

Phóng viên cũng đã liên hệ với lãnh đạo huyện Thanh Oai và được đề nghị hẹn về địa phương làm việc. Tuy nhiên, đến ngày hẹn, phóng viên có mặt tại UBND huyện Thanh Oai nhưng chưa thể làm việc bởi huyện có lễ đón Huân chương Lao động hạng 3.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin....

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Oai – Hà Nội: Chính quyền xã chưa giải quyết dứt điểm công trình xây dựng trái phép lấn sông, lấp hồ 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO