Thanh Hoá: Phát triển bền vững ngành tài nguyên và môi trường
Trong năm 2024, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Thanh Hoá có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp, triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy nguồn lực tài nguyên đất đai hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất chuyên trồng lúa cho tỉnh Thanh Hóa làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2023; đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường, GPMB với các huyện, thị xã, thành phố, bám sát cơ sở tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, chính sách hỗ trợ, tái định cư đẩy nhanh tiến độ, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án. Đến ngày 15/12/2024, toàn tỉnh đã GPMB được 2.306,170 ha/2.231,666 ha (đạt 103,34% so với Kế hoạch), gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Ước đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ GPMB của toàn tỉnh đạt 110% so với Kế hoạch (tương đương 2.455 ha/2.231,666 ha).
Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm. Trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng 1.330,94 ha đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thực hiện 389 dự án; chấp thuận thu hồi 1.798,37 ha đất để thực hiện 382 dự án thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất ; trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể 19 dự án, tổng giá trị quyền sử dụng đất 1.287,8 tỷ đồng; trên địa bàn toàn tỉnh đã đấu giá 315 mặt bằng (dự án), diện tích 132,71 ha, số tiền sử dụng đất thu được 10.233 tỷ đồng (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Triển khai Luật BVMT năm 2020, Tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo xử lý quyết liệt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 84% (tăng 1%); Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 92,1% (vượt 0,6% so với kế hoạch được giao); tỉ lệ chất thải y tế nguy hại, được thu gom xử lý đạt 100%.
Tỉnh Thanh Hoá phê duyệt Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Tổ chức thẩm định cấp giấy phép môi trường năm 2024 đối với 121 dự án, cơ sở, tăng 33,88% so với cùng kỳ năm 2024 (tăng 41 hồ sơ GPMT); thẩm định 120 báo cáo đánh giá tác động môi trường giảm 34,4% so với cùng kỳ năm 2023 (giảm 63 hồ sơ ĐTM); tham mưu giải quyết đề nghị điều chỉnh kết quả phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trưòng cho 01 dự án (dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Hoằng Hóa, Khu đô thị Aqua city Hoằng Hóa). Giám sát vận hành thử nghiệm đối với 25 dự án/cơ sở; kiểm tra, dán tem niêm phong trạm quan trắc tự động, liên tục: 01 trạm quan trắc với khí thải tại ống khỏi nghiền xi của Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn; 04 trạm quan trắc tự động (02 trạm quan trắc nước thải; 02 trạm quan trắc khí thải) của Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn; 01 trạm quan trắc khí thải tự động của Nhà máy Lọc Hoá dầu Nghi Sơn; 04 trạm quan trắc tự động khí thải của Nhà máy Xi măng đại dương 1; 14 trạm khí thải của Nhà máy xi măng Nghi Sơn.
Triển khai nhiều giải pháp
Sở Tài nguyên và Môi trường luôn chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện với các chương trình, đề án: Chương trình Quan trắc tổng hợp môi trường biển; Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; lập Báo cáo chuyên đề hiện trạng môi trường chất lượng nước biển ven bờ vùng biển tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Xây dựng Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết việc thi hành Luật Tài nguyên môi trường biển, đảo trên địa bàn tỉnh. Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của 12 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại 131 cơ sở. Tổ chức trực cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại 03 huyện miền núi: Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát.
Tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, khai thác sai so với thiết kế, ngoài vị trí mốc giới; rà soát, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá các mỏ khoáng sản năm 2025 và triển khai đấu giá (dự kiến khoảng hơn 20 mỏ). Rà soát, kiểm tra tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép đối với các đơn vị vi phạm nghiêm trọng các quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản. Kiểm soát chặt chẽ và kịp thời khắc phục ô nhiễm môi trường, nhất là ở các cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi, bãi rác thải tập trung, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, lưu vực sông.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường: Bước sang năm 2025 Sở tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa”; tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai năm 2024 theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Nâng cao chất lượng thẩm định, chỉ tham mưu giao đất, cho thuê đất đối với các nhà đầu tư đảm bảo căn cứ pháp lý, điều kiện về giao đất, cho thuê đất. Hạn chế tối đa việc chấp thuận chủ trương, địa điểm dự án đầu tư nhỏ lẻ, chiếm đất để đầu cơ, chuyển nhượng, gây ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Chương trình quan trắc tổng hợp môi trường biển; Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; tiếp tục báo cáo UBND tỉnh triển khai Dự án xây dựng giai đoạn 2 hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại 07 huyện miền núi.
Kiểm soát chặt chẽ và kịp thời khắc phục ô nhiễm môi trường, nhất là ở các cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi, bãi rác thải tập trung, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, lưu vực sông; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa triển khai đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn.