Thanh Hóa: Nhập nhằng quản lý, "đất tặc" hoành hành

31/10/2016 00:00

(TN&MT) - Lợi dụng việc nhập nhằng trong công tác quản lý đất tại nhà máy Vinaxuki xã Đại Lộc- Hậu Lộc (Thanh Hóa) đất tặc ngang nhiên hoành hành ngay sát Quốc lộ 1A. Trong khi đó cả xã và huyện “đùn đẩy” trách nhiệm cho tỉnh.

Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho thuê đất đầu tư tại Cụm công nghiệp Song Lộc (trên diện tích đất của 2 xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc). Đi vào hoạt động năm 2011 nhưng chỉ sau đó 2 năm, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang.

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, thời gian gần đây lợi dụng việc nhập nhằng trong công tác quản lý đất đai tại nhà máy Vinaxuki, đất tặc mặc nhiên hoành hành ngay sát Quốc lộ 1A như chốn không người.

Điểm khai thác đất nằm trong khuôn viên nhà máy Vinaxuki đã được UBND tỉnh Thanh Hóa bàn giao.
Điểm khai thác đất nằm trong khuôn viên nhà máy Vinaxuki đã được UBND tỉnh Thanh Hóa bàn giao.

Theo quan sát của phóng viên Báo TN&MT điện tử: Tại điểm khai thác đất nằm sau nhà máy Vinaxuki, máy múc vẫn đang cần mẫn múc đất lên xe, xe tải ra vào tấp nập. Chúng tôi không thấy bóng dáng của ngành chức năng đâu cả, mọi thứ hoạt động trơn tru như một mỏ đất đã được cấp phép. Nghịch lý hơn nữa điểm lấy đất nằm sát Quốc lộ 1A, cách UBND xã Đại Lộc không xa.

Một người dân sống gần khu vực lấy đất bức xúc nói: Không hiểu vì lý do gì mà không thấy xã, huyện xuống kiểm tra khi việc khai thác đất diễn ra rầm rộ như thế. Im ắng được một thời gian lại thấy họ vào khai thác trở lại. Người dân chúng tôi chỉ mong được trả lại đất để sản xuất, chứ giờ đất không có, ngành nghề cũng không khổ trăm bề.

Xe chở đất ngang nhiên đi qua cổng Nhà máy Vinaxuki có bảo vệ canh gác, thế nhưng không thấy bóng dáng ngành chức năng.
Xe chở đất ngang nhiên đi qua cổng Nhà máy Vinaxuki có bảo vệ canh gác, thế nhưng không thấy bóng dáng ngành chức năng.

Trao đổi với ông Ngô Quang Mẫn – Chủ tịch UBND xã Đại Lộc cho biết: Điểm khai thác thuộc đất của nhà máy Vinaxuki, tỉnh đã giao cho công ty quản lý, chúng tôi không có thẩm quyền. Khi chúng tôi hỏi, chính quyền đã nắm được thực trạng khai thác đất trái phép ở đây chưa. Ông Mẫn cho biết có nắm được, đó là công ty Xuân Thanh đang lấy đất với mục đích san lấp mặt bằng khu  trung tâm thương mại được tỉnh chấp thuận.

Lẽ ra khi nắm được thực trạng khai thác đất trái phép, nếu vượt quá thẩm quyền cho phép chính quyền xã Đại Lộc phải báo cáo cấp trên để có phương án giải quyết. Tránh tình trạng đất tặc lợi dụng để trục lợi cá nhân.

Xe chở đất ra vào tấp nập như một công trường khai thác đã được cấp phép.
Xe chở đất ra vào tấp nập như một công trường khai thác đã được cấp phép.

Ông Nguyễn Văn Luệ - Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Huyện đã có văn bản kiến nghị thu hồi đất của công ty Vinaxuki vì ngưng hoạt động mấy năm nay. Còn việc khai thác và vận chuyển đất chúng tôi sẽ cho các phòng chức năng kiểm tra lại. Đúng ra các cô phải liên lạc làm việc với lãnh đạo nhà máy, với Sở TN&MT vì đất đã được giao cho công ty?

Thực trạng khai thác đất trái phép tại đây đã tái diễn nhiều lần, thiết nghĩ UBND tỉnh Thanh Hóa cần xem xét thu hồi đất, tránh lãng phí tài nguyên. Đồng thời để tránh thực trạng lợi dụng khi “tranh tối, tranh sáng” để "đất tặc" lộng hành.

                                                                            Bài và ảnh: Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Nhập nhằng quản lý, "đất tặc" hoành hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO