Kinh tế

Thanh Hóa: Mường Lát còn khó thoát nghèo

Thu Thủy 27/09/2023 - 17:20

Xuất phát điểm là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, kinh tế chậm phát triển, song đến nay huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã nỗ lực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bằng nhiều mô hình, biện pháp mang tính đột phá, trên cơ sở phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cán bộ và mỗi người dân, kết hợp với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các địa phương.

Khó khăn bủa vây huyện nghèo Mường Lát

Mường Lát là một huyện vùng cao, biên giới, cách trung tâm TP. Thanh Hóa 250 km về phía Tây của tỉnh. Tổng diện tích tự nhiên 81.240,93 ha. Có 105 km đường biên giới đất liền với nước CHDCND Lào. Toàn huyện có 08 đơn vị hành chính. Dân số là 8.809 hộ, với 41.857 khẩu, gồm có 06 dân tộc: dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao, Kinh, Khơ mú sinh sống.

Về cơ bản huyện Mường Lát có kinh tế chậm phát triển so với mặt bằng chung của các huyện miền núi, là huyện nghèo nhất của tỉnh và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Trong đó, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là tự cung, tự cấp; chưa xác định được cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; chưa có nhiều con nuôi đặc sản để trở thành hàng hóa có giá trị...

ml1.jpg
Mường Lát có kinh tế chậm phát triển so với mặt bằng chung của các huyện miền núi

Quy mô kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với bình quân chung của tỉnh và bình quân chung của khu vực miền núi. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; một số công trình đầu tư dàn trải, dở dang, kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực…

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do điều kiện địa hình, địa bàn, khí hậu thì nguyên nhân chủ quan được chỉ ra, đó là do tư duy chậm đổi mới, “ngại” thoát nghèo của bà con, sự dựa dẫm vào chính sách hỗ trợ trực tiếp còn nặng nề. Đơn cử, trong chăn nuôi, Mường Lát thuận lợi để phát triển nhiều loại vật nuôi như: dê, bò, lợn mán, vịt cổ rụt... Tuy nhiên, những mô hình chăn nuôi trên chỉ mang tính nhỏ lẻ hộ gia đình, chưa được xây dựng phát triển thành những mô hình sản xuất mang tính hàng hóa. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thương phẩm, dù lợi nhuận đem lại khá cao, thị trường ổn định, song chưa có nhiều người nuôi, chỉ tập trung số ít ở một bộ phận thanh niên trẻ. Người dân chưa chú trọng, phát triển theo hướng nuôi thả tự do trên đồi núi, công tác chuồng trại, nguồn thức ăn cũng như phòng dịch cho vật nuôi chưa được quan tâm.

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Mường Lát, cho biết: Đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi từ Hội LHPN, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... Tuy nhiên, sau hỗ trợ, số vật nuôi không những không tăng mà việc duy trì mô hình này cũng đang là bài toán chật vật. Vật nuôi chết do thiếu chăm sóc, chăm sóc không đúng kỹ thuật, dịch bệnh... Hệ quả là thay vì thoát nghèo, cuộc sống người dân vẫn luẩn quẩn trong khó khăn.

ml2.jpg
Cần phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp quy mô lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật

Các cấp chính quyền từ huyện đến xã cũng đã xây dựng, phát triển nhiều mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu (như cam, quýt, gai xanh...), song hiệu quả đem lại cũng không thực sự rõ rệt. Cùng với đó, việc phát triển cây xoan trên địa bàn sau hơn 10 năm cũng không được thành công. Nguyên nhân do tư duy sản xuất của người dân còn nhiều hạn chế, lạc hậu; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung; yếu tố thị trường thiếu ổn định, đầu ra thiếu bền vững; kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng khoa học, kỹ thuật của người dân còn hạn chế, dẫn đến chất lượng nông sản chưa cao, chưa được thị trường đánh giá.

Định hướng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp

Để tháo gỡ những khó khăn, giúp Mường Lát vươn lên thoát nghèo, một cách căn cơ và cụ thể, đặt ra từng chỉ tiêu cho từng giai đoạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11, với nhiều nội dung, chính sách ưu tiên. Đây là thời cơ và cũng là thách thức, với mục tiêu chung là tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phấn đấu đến năm 2030 huyện Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo.

Để Mường Lát thoát nghèo, khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm nền tảng, gắn với cơ cấu lại sản xuất theo hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của người dân, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật; thu hút và phát triển hợp lý các ngành công nghiệp giải quyết nhiều việc làm, công nghiệp chế biến, nông lâm sản; mở rộng dịch vụ, thương mại ở những nơi có điều kiện.

Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, phong tục tập quán, trình độ sản xuất của người dân, Nghị quyết số 11-NQ/TU đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là phân chia 8 xã, thị trấn của huyện Mường Lát thành 4 khu vực để định hướng phát triển kinh tế.

Theo đó, khu vực 1 (gồm 3 xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung), tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Khu vực 2 (gồm 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh), xây dựng thành nơi sản xuất nông nghiệp tập trung, chú trọng phát triển vùng trồng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Khu vực 3 (gồm 2 xã Pù Nhi và Nhi Sơn), tập trung phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao theo quy trình sản xuất sạch, an toàn, gắn với thị trường tiêu thụ. Khu vực 4 (thị trấn Mường Lát), tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng thành trung tâm giao thương hàng hóa, đầu mối của các hoạt động dịch vụ, thương mại của huyện Mường Lát với các địa phương trong tỉnh...

ml3.jpg
Tập trung phát triển kinh tế trên cơ sở lấy nông nghiệp, lâm nghiệp làm nền tảng

Bên cạnh đó, hiện nay Bộ NN&PTNT đã tổng hợp hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương còn lại của chương trình giai đoạn 2021-2025, trong đó có đề xuất bổ sung khoảng 405 tỷ đồng (bình quân khoảng 27 tỷ đồng/huyện) cho 11 tỉnh để hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng 'trắng' xã nông thôn mới, trong đó có huyện Mường Lát. Riêng xã Mường Chanh, huyện Mường Lát sẽ được hỗ trợ bổ sung 45 tỷ đồng để tập trung hoàn thành các tiêu chí hạ tầng thiết yếu phát triển sản xuất, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ NN&PTNT, các cơ quan Trung ương quan tâm, hỗ trợ huyện xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung, xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ở vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, xây dựng mô hình trồng và chế biến, tiêu cây thụ dược liệu, bố trí vốn cho huyện để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Mường Lát còn khó thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO