Thanh Hóa chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái biển

Thu Thủy (thực hiện)| 21/09/2021 11:01

(TN&MT) - Trong 5 trụ cột phát triển kinh tế biển, ngành khai thác, chế biến hải sản được coi là mũi nhọn, được tỉnh Thanh Hóa phát triển theo hướng bền vững, chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa

PV: Xin ông cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế biển với mũi nhọn là ngành khai thác, chế biến hải sản, đến nay Thanh Hóa đã đạt được những kết quả gì?

Ông Cao Văn Cường:

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế biển theo nội dung tại Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, Thanh Hóa đã sáng tạo, tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, xây dựng tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh. Khẳng định vị thế 1 trong 3 trung tâm kinh tế công nghiệp, hàng hải, du lịch và dịch vụ lớn nhất khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ. Trong đó, lĩnh vực khai thác, chế biến hải sản là 1 trong 5 trụ cột đã được tỉnh quan tâm và đầu tư, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020, sản lượng khai thác thủy hải sản tăng 177% (từ 71.001 tấn lên 126.058 tấn). Số lượng tàu cá xa bờ tăng nhanh từ 655 chiếc lên 1.337 chiếc; số lượng tàu cá gần bờ giảm từ 6.591 xuống còn 4.454 chiếc năm 2020.

Toàn tỉnh có 81 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản với công suất khoảng 280.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất năm 2020 đạt 6.023 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 100,16 triệu USD. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặn, lợ cũng có bước phát triển nhanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế các địa phương ven biển. Kết quả nuôi trồng năm 2020, sản lượng đạt 29.759 tấn, tăng 16.387 tấn so với năm 2010.

Hiện, Thanh Hóa có gần 3.000 hộ, cơ sở nuôi trồng thủy sản mặn lợ, giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng 4.000 lao động trực tiếp, ngoài ra còn là cơ sở để phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ cho quá trình nuôi trồng thủy sản từ sản xuất kinh doanh giống, thức ăn, chế biến xuất khẩu...

Thanh Hóa đạt được nhiều thành quả tích cực sau 10 năm thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế biển

PV: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được tỉnh Thanh Hóa triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Cao Văn Cường:

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng ngư dân, cán bộ quản lý địa phương về Luật Thủy sản; Luật Biển, hoạt động kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được các ngành duy trì. Cụ thể, hơn 10 năm qua, các lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT đã kiểm tra và xử lý 1.173 vụ vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, xử lý vi phạm 527 vụ vi phạm và nhắc nhở 894 trường hợp, tháo dỡ 377 miệng đáy, 49 hàng đăng vi phạm về vị trí và kích thước mắt lưới.

Cùng với đó, Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa” đã thành lập và đi vào hoạt động 15 mô hình Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ từ năm 2014. Các Tổ đồng quản lý tuyên truyền, khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường, nhằm bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển.

Từ năm 2010 đến nay, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện thả 43.420kg các loài cá truyền thống nước ngọt; 9.000 cá lăng chiên; 7 triệu con tôm sú, 9.000 con cua giống tại các thủy vực tự nhiên nhằm phục hồi và phát triển nguồn lợi. Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

PV: Vậy tỉnh Thanh Hóa  đã đề ra các giải pháp gì để phát triển kinh tế thủy, hải sản theo hướng bền vững?

Ông Cao Văn Cường:

Tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý, chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tăng cường thực hiện hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực nước tự nhiên nội địa, hồ chứa và vùng biển ven bờ.

Nâng cấp đội tàu, phát triển khai thác vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác vùng lộng và ven bờ đảm bảo phù hợp. Tuân thủ các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng các thị trường trọng điểm và tiềm năng; nâng cao năng lực trao đổi, tiếp cận thông tin thị trường, thương mại thủy sản cho doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút và khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế thủy sản.

Chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa cùng đoàn kết, sáng tạo, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO