Tham vấn về Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam

Việt Khang| 05/11/2021 20:08

(TN&MT) - Chiều 5/11, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam.

Tham dự trực tuyến và trực tiếp có đại diện của các b, ngành; các tỉnh, thành phố, viện nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực biển và hải đảo; Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế: ADB, WB, UNEP, KOICA, IUCN, WWF.

Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam được xây dựng bởi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và UNDP. Thông qua việc đánh giá đóng góp của các ngành kinh tế chính của nền kinh tế đại dương, báo cáo này chỉ ra các tiềm năng của nền kinh tế biển Việt Nam hướng đến phát triển bền vững. Báo cáo sẽ được công bố tại Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu" do Việt Nam và Na Uy đồng chủ trì, với hỗ trợ kỹ thuật của UNDP sẽ được tổ chức vào vào ngày 13 và 14/12/2021 tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội thảo tham vấn về Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam cho biết, kinh tế biển là một mối tổng hòa của các ngành trên một môi trường biển có sự gắn kết chặt chẽ, sự phát triển của một ngành có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các ngành khác. Vì vậy, đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận và phối hợp đa ngành nhằm tối ưu hóa phát triển kinh tế biển xanh Việt Nam.

"Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam là một báo cáo tổng hợp kinh tế biển đầu tiên ở Việt Nam, chúng tôi hy vọng rằng báo cáo là một đóng góp quan trọng, có cơ sở khoa học và thực tiễn, góp phần trong việc hoạch định chính sách, xác định ưu tiên, phục hồi xanh để thúc đẩy kinh tế bền vững biển ở VIệt Nam. Đặc biệt, đảm bảo rằng, tăng trưởng kinh tế biển không phải đánh đổi chất lượng môi trường là điều cơ bản để đảm bảo một nền kinh tế xanh mạnh mẽ ở Việt Nam.” - Ông Đào Xuân Lai nhấn mạnh.

Các chuyên gia trình bày kết quả nghiên cứu chuyên đề cho sáu ngành kinh tế biển

Tại hội thảo, nhóm chuyên gia đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu chuyên đề cho sáu ngành kinh tế biển: Năng lương tái tạo; Dầu khí; Thủy sản; Giao thông biển; Du lịch; Môi trường, bao gồm đánh giá hiện trạng, thách thức, cơ hội, kịch bản phát triển xanh và mối liên quan tới các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thế Chinh, chuyên gia về môi trường trình bày kết quả nghiên cứu chuyên đề về lĩnh vực môi trường

Một số kịch bản trong tương lai đến năm 2030 đã được phát triển cho từng lĩnh vực này dựa trên các biện pháp can thiệp và cải cách dựa trên từng lĩnh vực. Các kịch bản bao gồm kịch bản kinh doanh như bình thường và kịch bản phát triển bền vững hay còn gọi là “xanh lam” phù hợp chặt chẽ với khái niệm nền kinh tế xanh.

Mỗi kịch bản xanh được xây dựng trên nền các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên biển đã chứng minh rằng giá trị hệ sinh thái và đôi khi là diện tích của các sinh cảnh chính (rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô và đầm phá) có thể được tăng lên. Vì vậy, mở rộng kinh tế biển cần phải đi kèm với việc chú trọng duy trì hoặc nâng cao chất lượng môi trường.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Việt Nam có đường bờ biển dài 3,260 km (chưa bao gồm các đảo) chạy dọc từ Móng Cái ở phía Bắc tới Hà Tiên ở phía Tây Nam, với dân số 98 triệu người (năm 2019). Dân số 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm gần 50% dân số của cả nước. Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó, GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển chính ở Việt Nam gồm năng lượng tái tạo biển, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải biển, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham vấn về Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO