Tham vấn quốc gia về Dự án thuỷ điện dòng chính Pắc Lay của Lào

18/09/2018 16:07

(TN&MT) - Ngày 18/9, tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ ngành, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố ĐBSCL, các nhà khoa học…

tr1
Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Trong thời gian gần đây, các quốc gia trong khu vực đang tăng cường phát triển thuỷ điện dòng chính sông Mê Công. Trong đó, Lào đã khởi công xây dựng hai công trình thủy điện dòng chính là Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông, chuẩn bị xây dựng công trình thủy điện Pắc Beng.

Trước tình hình cả Lào và Campuchia đang có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu xây dựng các công trình thủy điện dòng chính khác, Trung Quốc cơ bản hoàn thành phát triển thủy điện trên sông Lan Thương, Thái Lan đang gấp rút nghiên cứu triển khai các công trình chuyển nước ở vùng Đông - Bắc, Việt Nam là quốc gia nằm ở cuối nguồn đang theo dõi diễn biến nêu trên với mối quan tâm và quan ngại sâu sắc về tác động bất lợi của các hoạt động phát triển này đến môi trường, kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thường xuyên theo dõi và báo cáo về các hoạt động phát triển của các quốc gia thượng nguồn, nhất là trong các kế hoạch xây dựng các công trình thuỷ điện dòng chính; đồng thời đề xuất các biện pháp và định hướng nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi và bảo vệ quyền lợi của Việt Nam, đặc biệt tại ĐBSCL. Trong các hoạt động hợp tác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã thường xuyên thúc đẩy Ủy hội đề nghị các quốc gia thành viên tuân thủ Hiệp định Mê Công 1995, tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động tổng thể và các hoạt động tham vấn rộng rãi trong lưu vực.

Cho tới nay, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã phối hợp với các quốc gia thành viên tiến hành tham vấn cho 03 Dự án thủy điện dòng chính của Lào là Xay-nha-bu-ly, Đôn Sa-hông, và Pắc Beng theo quy định tại Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công (1995) và Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

tr2
Quang cảnh Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào tại TP.HCM
 

Ngày 12/6/2018, Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào đã có thư gửi Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay là dự án thủy điện dòng chính thứ tư trên sông Mê Công. Sau đó, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất tiến hành tham vấn cho Dự án thủy điện Pắc Lay từ ngày 8/8/2018 và kéo dài ít nhất là 6 tháng nhằm cung cấp thông tin cho các bên liên quan; xem xét đánh giá đề xuất của Lào, tập hợp ý kiến góp ý về tác động và các biện pháp giảm thiểu tác động.

Để phối hợp với các hoạt động tham vấn vùng của Ủy hội, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã xây dựng một Kế hoạch tham vấn quốc gia cho Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào, gồm các hoạt động chính: hoạt động của Nhóm công tác kỹ thuật; các hoạt động tham vấn các Bộ ngành, địa phương, cộng đồng, các nhà khoa học; chuẩn bị cho các diễn đàn cấp vùng do Ủy hội tổ chức.

Ông Lê Đức Trung cho biết: Đây là Hội thảo tham vấn quốc gia mở đầu cho các hoạt động tham vấn quốc gia mà Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Bộ TN&MT sẽ tổ chức trong thời gian tới. Hội thảo lần này nhằm cung cấp các thông tin về Dự án thủy điện Pắc Lay, về Kế hoạch tham vấn cho Dự án ở cấp vùng và của Việt Nam, đồng thời chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các lần tham vấn trước. Đặc biệt, Hội thảo  chính là cơ hội để các đại biểu chia sẻ các mối quan tâm đối với Dự án thủy điện Pắc Lay, và đóng góp ý kiến cho Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Bộ TN&MT để thực hiện quá trình tham vấn hiệu quả và đạt kết quả mong đợi.

tr3
ĐBSCL của Việt Nam sẽ chịu những tác động của các công trình đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công
 

Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các tỉnh ĐBSCL, các Bộ ngành, các nhà khoa học… đều khẳng định, ĐBSCL đang và chắc chắn sẽ phải gánh chịu tất cả các tác động từ các hoạt động phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Công, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về tài nguyên nước trong lưu vực ngày càng tăng mạnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng như sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng đã xuất hiện từng ngày, từng giờ đe dọa đời sống và hoạt động sản xuất của người dân.

Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với Kế hoạch tham vấn quốc gia cho Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay của Lào. Trong đó, làm sao để các công trình thủy điện Pắc Lay trước khi được xây dựng phải được đánh giá đầy đủ các tác động tới dòng chảy, hệ sinh thái của hệ thống sông Mê Công, đặc biệt là những ảnh hưởng của công trình tới khu vực ĐBSCL.

Thay mặt Ban Tổ chức, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung đã cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết, Ủy ban sông  Mê Công Việt Nam và Bộ TN&MT sẽ tổng hợp để chuẩn bị xây dựng ý kiến của Việt Nam về Dự án thủy điện Pắc Lay trong diễn đàn của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, và góp phần đảm bảo mục tiêu sử dụng bền vững, công bằng và hợp lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Mê Công nói chung và vùng ĐBSCL của Việt Nam nói riêng.

Ông Lê Đức Trung cũng nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia luôn đóng vai trò là thành viên tích cực nhất của Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong các đợt tham vấn trước đây cho các Dự án thủy điện Xay-nha-bu-ly, Đôn Sa-hông, và Pắc Beng. Đặc biệt, trong đợt tham vấn cho Dự án thủy điện Pắc Beng, với sự thúc đẩy vận động của Việt Nam, lần đầu tiên trong tham vấn thủy điện dòng chính, 4 quốc gia thành viên Ủy hội đã thống nhất được một Tuyên bố chung kiến nghị Chính phủ Lào thực hiện đầy đủ đánh giá tác động của công trình thủy điện Pắc Beng, thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động, các hoạt động quan trắc, và chia sẻ và cập nhật thông tin kịp thời cho các quốc gia thành viên khác và Ban Thư ký Ủy hội.

 
 

Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay

Dự án nằm trên dòng chính sông Mê Công khu vực miền Trung Lào, là công trình thứ 4 trong tổng số 11 công trình thủy điện theo kế hoạch sẽ được xây dựng, khoảng cách tới ĐBSCL của Việt Nam là 1.615km. Công trình gồm một đập bê tông trọng lực, 14 tổ máy phát điện, 14 tràn xả lũ, 03 cổng xả đáy, âu thuyền và đường cá đi.

Cùng với đó, ngoài phát điện, dự án sẽ cải thiện giao thông thủy khu vực thượng lưu đập và hỗ trợ phát triển du lịch khu vực lòng hồ thủy điện. Nhà máy có công suất lắp máy 770MW, sản lượng điện 4.125 GWh, lưu lượng xả nước thiết kế là 6.101,06 m3/giây, vận hành với độ cao cột nước 14,5m.

Chủ đầu tư của công trình thủy điện Pắc Lay là các công ty của Trung Quốc: Công ty Sinohydro Corporation Co Ltd và China National Electronics Import  and  Export Corporation. Lượng điện do công trình thủy điện Pắc Lay sản xuất ra dự kiến sẽ bán phần lớn cho Thái Lan (85%) và phần còn lại (15%) Lào sẽ sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham vấn quốc gia về Dự án thuỷ điện dòng chính Pắc Lay của Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO