Tham vấn kinh nghiệm thực hiện kế hoạch thích ứng quốc gia
(TN&MT) - Hiện nay, một số địa phương còn gặp khó khăn trong triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là việc lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu trong các chương trình, dự án; hay đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tác động của biến đổi khí hậu.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Đánh giá kết quả và tham vấn kinh nghiệm thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) và Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia (M&E), do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức tại Hà Nội, ngày 27/8.
Hội thảo có sự tham gia đại biểu đến từ các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải và các Sở Tài nguyên và Môi trường khu vực phía Bắc, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia trong lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Trong những năm qua, tại Việt Nam đã ghi nhận 20 trên 21 loại hình thiên tai, thảm họa thiên nhiên xảy ra trên phạm vi cả nước, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt với các nhóm dân cư có tính dễ bị tổn thương cao. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2011 - 2022, thiệt hại về kinh tế do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tại Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD.
Xác định việc gia tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành vấn đề sống còn đối với Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều hành động quan trọng.
“Một trong những điểm nổi bật nhất trong nỗ lực thích ứng của Việt Nam cho đến thời điểm này là ban hành và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP)” – Phó Cục trưởng Mai Kim Liên nhấn mạnh và cho biết, đây là căn cứ để lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, và địa phương. Sau khi NAP được ban hành, các Bộ, ngành và địa phương đã có cơ sở xây dựng và triển khai các hoạt động thích ứng trong phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia (M&E). Hệ thống nhằm giám sát, đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu; cung cấp cơ sở cho việc quản lý, điều phối và thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo bà Mai Kim Liên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng phần mềm báo cáo trực tuyến để hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác báo cáo kết quả giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng.
Tại hội thảo, Cục Biến đổi khí hậu đã có bài trình bày về yêu cầu đánh giá tình hình triển khai NAP và Hệ thống M&E và các nội dung cần tham vấn. Theo quy định, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ triển khai giám sát, đánh giá theo 6 nội dung, bao gồm: Công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu; tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực; giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu; nguồn lực cho thích ứng với biến đổi khí hậu; khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế; đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
Chia sẻ khó khăn, thách thức khi triển khai các quy định chính sách tại địa phương, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình nhận định, do đây là nhiệm vụ liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên việc thu thập, thống kê số liệu trong quá trình giám sát và đánh giá chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành về cung cấp thông tin, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, báo cáo kết quả thực hiện chưa chặt chẽ; các đơn vị không báo cáo, hoặc báo cáo chưa đầy đủ.
Một số nội dung giám sát đánh giá chưa phân định rõ cơ quan chủ trì thực hiện do chồng chéo chức năng, nhiệm vụ gây khó khăn trong việc phân công thực hiện các nội dung giám sát đánh giá. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng cũng chia sẻ thêm, kinh phí đầu tư cho biến đổi khí hậu ở địa phương còn hạn chế và cần tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.
Đại diện các Bộ cũng nêu các thách thức trong quá trình triển khai NAP như thiếu định mức kinh tế kỹ thuật gây khó khăn trong việc xác định chi phí đầu tư cho thích ứng biến đổi khí hậu; việc lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu trong các chương trình, dự án chưa mang tính thực chất và ứng dụng cao; khó khăn trong việc đánh giá tính dễ bị tổn thương, rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu.
Một vấn đề nữa đặt ra, đó là lồng ghép giới và các yếu tố xã hội trong thích ứng biến đổi khí hậu. Kết quả đánh giá ban đầu đối với báo cáo tình hình triển khai NAP của 18 Bộ và 44 tỉnh/thành phố cho thấy, chỉ có 3/18 Bộ 12/44 địa phương đề cập đến giới/các đối tượng dễ bị tổn thương trong kế hoạch hành động của mình. Trong số này, 2 Bộ và 5 địa phương đề cập một cách rõ ràng. Chỉ có 3 địa phương đề cập đến sự đóng góp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để triển khai thích ứng biến đổi khí hậu. Việc lồng ghép nội dung này còn hạn chế do các hướng dẫn quốc tế chưa thực sự phù hợp với điều kiện về dữ liệu và nhân lực của Việt Nam.
Các đại biểu cũng đã đề xuất các giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc thu thập, phân tích dữ liệu cho hệ thống M&E; cần có định hướng và hướng dẫn cụ thể về đầu tư thích ứng biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực cụ thể; ưu tiên xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tác động của biến đổi khí hậu. Các bên cũng thảo luận về nội dung hướng dẫn lồng ghép giới và tác động xã hội trong NAP làm sao để phù hợp với mục tiêu và nhu cầu của các Bộ, ngành, địa phương.
Kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Mai Kim Liên nhấn mạnh, cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu trong nghiên cứu và đề xuất kinh phí triển khai các hoạt động thích ứng phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn về biến đổi khí hậu cho các địa phương thông qua các buổi hội thảo, khóa tập huấn về pháp luật biến đổi khí hậu.