Ngành TN&MT

Tham gia Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Việt Nam đề xuất chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình

Tống Minh 11/08/2023 14:55

(TN&MT) - Việt Nam đề xuất giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình; phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của quốc gia; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng các nghĩa vụ bắt buộc, tránh tạo ra gánh nặng và nghĩa vụ quá cao cho các nước đang phát triển.

Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Kết quả đàm phán phiên thứ 2 và định hướng của Việt Nam cho các phiên tiếp theo, do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP)-chủ trì bởi UNDP, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PEVN) tổ chức ngày 11/8.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ TN&MT, có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đại diện Bộ Công thương, đại diện Đại sứ quán Na Uy, đại diện các tổ chức quốc tế: UNDP, Môi trường Pacific, WWF, đại diện các doanh nghiệp…

cac-dai-bieu.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Đề xuất giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình

Phát biểu khai mạc, ông Lê Ngọc Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết, ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hệ lụy cho nhân loại trong tương lai.

Trước yêu cầu cấp bách đó, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đề xuất các nước tiến hành đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa.

Sau hai phiên đàm phán tại Uruguay năm 2022 và Pháp năm 2023, quá trình đàm phán kỹ thuật xây dựng Thỏa thuận hiện đang bước vào giai đoạn có ý nghĩa quan trọng, xây dựng lời văn cho Thỏa thuận để tiến hành đàm phán tại Phiên thứ ba sẽ diễn ra trong tháng 11 năm 2023 tại Nairobi, Kenya và các phiên tiếp theo trước khi thông qua trong vào cuối năm 2024.

Chia sẻ về kết quả phiên đàm phán thứ hai, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế thông tin, các quốc gia đã chia thành 2 nhóm để thảo luận về các nội dung chính được xem xét đưa vào văn kiện để xây dựng cho dự thảo đầu tiên của văn kiện. Trong đó, đa số các ý kiến đồng tình chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi các tác động tiêu cực trong cả vòng đời của nhựa.

Các quốc gia đưa ra 12 nhóm nghĩa vụ có thể bắt buộc các quốc gia thực hiện, bao gồm: (1) Loại bỏ dần hoặc giảm cung, cầu, sử dụng polyme nhựa nguyên sinh (nguyên liệu nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ); (2) Cấm, loại bỏ dần hoặc giảm việc sử dụng các sản phẩm nhựa có thể gây hại hoặc có thể tránh được/thay thế được; (3) Cấm, loại bỏ dần hoặc giảm sản xuất, tiêu thụ và sử dụng các loại hóa chất và polyme đáng lo ngại; (4) Giảm thiểu vi nhựa (đề nghị có định nghĩa về vi nhựa); (5) Tăng cường quản lý chất thải; (6) Thúc đẩy thiết kế tuần hoàn; (7) Khuyến khích, tăng cường giảm thiểu, tái sử dụng và sửa chữa các sản phẩm nhựa và bao bì nhựa; (8) Thúc đẩy việc sử dụng các giải pháp an toàn, bền vững và hỗ trợ phù hợp; (9) Loại bỏ việc giải phóng và phát thải nhựa vào môi trường nước, đất và không khí; (10) Giải quyết vấn đồ ô nhiễm nhựa hiện hữu; (11) Tạo điều kiện thuận lợi, công bằng, phúc lợi xã hội trong lĩnh vực quản lý chất thải, bao gồm quá trình chuyển đổi khu vực thu gom, xử lý chất thải phi chính thức; (12) Bảo vệ sức khỏe con người khỏi tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa.

anh-tuan-phat-bieu.jpg
Ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng, cần đề xuất Lộ trình tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Tại phiên đàm phán thứ 2 này, ý kiến của Việt Nam là giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình; phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của quốc gia. Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng các nghĩa vụ bắt buộc, tránh tạo ra gánh nặng và nghĩa vụ quá cao cho các nước đang phát triển. Việt Nam đề xuất hiện chưa đặt ra mốc thời gian 2040 để chấm dứt ô nhiễm nhựa tại Phát biểu chung của Nhóm các nước châu Á Thái Bình Dương (APG) và cần xây dựng báo cáo hiện trạng cơ sở và đề xuất Lộ trình tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận toàn bộ vòng đời của nhựa trên cơ sở hợp tác và chia sẻ lợi ích cũng như nghĩa vụ giữa các quốc gia thành viên; đề nghị hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và công nghệ, tăng cường xây dựng năng lực song song với tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Bên cạnh đó, xây dựng phương án đàm phán tổng thể trên cơ sở tham vấn các bên liên quan, đặc biệt tham vấn và đồng hành của khối tư nhân ngay từ giai đoạn đầu tiên, khi Bản thảo đầu tiên của văn kiện sắp được ban hành.

Việt Nam chủ động để tham gia Thỏa thuận

Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam hướng tới Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, ông Hoàng Thành Vĩnh – đại diện UNDP phân tích rõ các vấn đề cấp bách liên quan đến ô nhiễm nhựa ở các quốc gia thành viên ASEAN, đó là: Lượng phát sinh chất thải nhựa cao; cơ sở hạ tầng quản lý chất thải không phù hợp; thiếu nhận thức và thiếu các chương trình giáo dục; tồn tại khu vực phi chính thức trong quản lý chất thải nhựa và bản chất xuyên biên giới của ô nhiễm nhựa.

Dựa trên hiện trạng này, ông Vĩnh đề xuất 2 vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm khi tham gia đàm phán, đó là cần công nhận và hỗ trợ khu vực phi chính thức và cần kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển.

ong-vinh.jpg
Ông Hoàng Thành Vĩnh đề xuất các khuyến nghị khi Việt Nam tham gia Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Trong bối cảnh khi tham gia Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ có tác động đến Việt Nam, ông Vĩnh nhận định: khung chính sách về môi trường, quản lý chất thải đã toàn diện nhưng có thể cần hoàn thiện hơn nữa ở cấp độ kỹ thuật với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về nhựa. Nền kinh tế tuần hoàn hiện đang đạt được thúc đẩy mạnh mẽ, song cần có kế hoạch và hướng dẫn cụ thể hơn. Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Đồng hành cùng Việt Nam chống rác thải nhựa, bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị Việc Nam có thể tham gia Liên minh tham vọng cao chấm dứt ô nhiễm nhựa (HAC). Liên minh này có 56 thành viên từ tất cả các khu vực, đặt ra mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa đến năm 2040.

pho-dai-su-na-uy.jpg
Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam chia sẻ về Liên minh tham vọng cao chấm dứt ô nhiễm nhựa

Với các đề xuất này, theo ông Lê Ngọc Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ TN&MT, trong bối cảnh quá trình đàm phán bước vào giai đoạn quyết định, để chủ động chuẩn bị và tích cực tham gia vào quá trình đàm phán, Việt Nam cần xác định rõ định hướng tham gia của Ban công tác đàm phán tại các Phiên tiếp theo, trong đó có việc xây dựng Bản đệ trình của Việt Nam gửi Ủy ban đàm phán thỏa thuận cũng như khả năng tham gia một số cơ chế hợp tác quốc tế như Liên minh tham vọng cao nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa để tận dụng được các cơ hội hợp tác tăng cường năng lực, hỗ trợ nguồn lực cho quá trình triển khai thực hiện Thỏa thuận sau khi được thông qua và ký kết. Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đặt ra tham vọng là kết thúc tiến trình đàm phán vào năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Việt Nam đề xuất chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO