Việt Nam cùng thế giới tích cực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa
(TN&MT) - Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã tham dự Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến nay với hơn 2.500 đại biểu của các quốc gia thành viên, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.
Cần một thỏa thuận toàn cầu để chấm dứt khủng hoảng về nhựa
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thế giới hiện đang thải ra khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm nhưng chưa đến 10% trong số rác thải nhựa này được đem đi tái chế. Số lượng rác thải nhựa được đem đi tái chế quá ít trong khi số lượng nhựa được sản xuất ra và vứt bỏ không ngừng tăng theo thời gian, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với môi trường và sức khỏe con người.
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc được công bố hồi tháng 3 vừa qua cho thấy có khoảng 13.000 hóa chất có trong nhựa và 1/3 trong số đó được cho là có hại cho sức khỏe con người và môi trường.
Liên minh châu Âu và hàng chục quốc gia - bao gồm Nhật Bản, Canada và Kenya - đang kêu gọi một hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ với các điều khoản ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng các polyme nhựa nguyên chất có nguồn gốc từ hóa dầu và để loại bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa có vấn đề (chẳng hạn như PVC) và những loại khác có chứa thành phần độc hại. Các nhà vận động môi trường và một số chính phủ thậm chí còn nói rằng phải xóa bỏ ngành công nghiệp sản xuất nhựa.
Với tham vọng kết thúc tiến trình đàm phán vào cuối năm 2024 tại Busan, Hàn Quốc, Phiên đàm phán thứ tư Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa được bắt đầu với rất nhiều những kỳ vọng khác nhau của các bên tham gia. Phiên đàm phán chính thức được bắt đầu vào ngày 23/4/2024, trước đó, trong hai ngày 21 và 22/4/2024 các quốc gia đã có các cuộc họp liên quan để chuẩn bị cho Phiên họp chính thức bao gồm các cuộc họp của các Nhóm quốc gia theo vùng địa lý, Nhóm các quốc gia có cùng quan điểm, các cuộc họp do các đối tác và các tổ chức quốc tế về môi trường tổ chức để chia sẻ các quan điểm liên quan đến vấn đề về ô nhiễm nhựa và các nội dung liên quan tại dự thảo Thỏa thuận hiện hành.
Ông Eirik Lindebjerg, Giám đốc Chính sách Nhựa toàn cầu, WWF cho rằng, các nhà đàm phán cần nhận ra rằng ô nhiễm nhựa là một cuộc khủng hoảng toàn cầu đang gia tăng mà không thể giải quyết được thông qua các tiếp cận riêng lẻ ở cấp độ quốc gia. Chính phủ các nước cần khẩn trương triển khai tất cả biện pháp khả thi nhằm đẩy mạnh tiến trình giữa các kỳ họp về những giải pháp có tác động lớn nhất nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa trong toàn bộ vòng đời của nhựa – cụ thể là, lệnh cấm trên phạm vi toàn cầu đối với các sản phẩm và hóa chất có nguy cơ ô nhiễm cao, thực hiện các yêu cầu về thiết kế sản phẩm toàn cầu và gói tài chính vững mạnh nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng.”
“Các phiên đàm phán cho thấy đa số các quốc gia đều mong đợi một thỏa thuận mạnh mẽ với các quy tắc toàn cầu ràng buộc về các sản phẩm nhựa có hại và có thể tránh được cũng như các yêu cầu thiết kế sản phẩm nhựa chung. Đây là cơ hội chưa từng có, cũng là lúc các nhà lãnh đạo trên thế giới thể hiện ý chí chính trị và thống nhất được một thỏa thuận đủ mạnh để chống lại cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu”.
Việt Nam tích cực tham gia giải quyết ô nhiễm nhựa
Đoàn Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, với sự tham gia của đại diện các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với các quốc gia tham gia thảo luận các nội dung liên quan đến Dự thảo số 0 sửa đổi được Ủy ban đàm phán đưa ra ngày 28/12/2023. Đoàn Việt Nam tham gia tham dự Phiên đàm phán với quan điểm thế giới cần tập trung vào vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa trong đó nhấn mạnh vai trò của nhựa và các sản phẩm nhựa trong xã hội; tầm quan trọng của khu vực phi chính thức trong quá trình giải quyết ô nhiễm nhựa; nhu cầu hỗ trợ về tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực để các quốc gia đang phát triển đóng góp nhiều hơn vào nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt và năng lực tương ứng của quốc gia, chuyển đổi công bằng, xóa đói giảm nghèo, trách nhiệm giữa các thế hệ và vì mục tiêu phát triển bền vững.
Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại INC-4, Vụ trưởng hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh, ô nhiễm nhựa đang được coi là thách thức môi trường rất nghiêm trọng. Chính vì vậy, Việt Nam và các nước thành viên khác đều ủng hộ việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc về pháp lý để giải quyết vấn đề này. Đây sẽ là bộ khung pháp lý để các quốc gia thành viên xây dựng hành động giảm ô nhiễm nhựa và cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường.
Trên thực tế, sau ba phiên đàm phán trước, các thành viên mới chỉ đưa ra được bản dự thảo về một thỏa thuận chung nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa, tuy nhiên có thể chưa phản ánh hết được các mong muốn cũng như quan điểm của tất cả các bên tham gia. Tại phiên lần này, các bên tham gia sẽ tiếp tục đàm phán và cố gắng để đạt được mục tiêu, mặc dù thời gian còn lại là phiên cuối cùng vào cuối năm nay ở Busan, Hàn Quốc.
Tại Phiên khai mạc, Nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cũng đã có phát biểu chung về quan điểm của Nhóm, được các quốc gia thảo luận tại cuộc họp nhóm từ ngày 21/4/2024. Nhóm mặc dù gặp khó khăn để tìm tiếng nói chung do có nhiều quan điểm khác biệt giữa các quốc gia thành viên nhưng cũng đã có tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh sự khác biệt về các bối cảnh của các quốc gia, năng lực khác biệt và các phương pháp tiếp cận để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa điều kiện thành công của Thỏa thuận này. Nhóm tin rằng, sự phù hợp, linh hoạt, các biện pháp phù hợp theo lộ trình, đồng thời cho phép thời gian chuyển giao đủ cho các quốc gia và thị trường điều chỉnh theo từng bước sẽ mang đến sự thành công cho Thỏa thuận này.