Biển đảo

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Tiếp thu nhiều nội dung quan trọng cho phiên đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Phan Phương 27/06/2024 - 13:48

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là cơ quan đầu mối, thường trực Ban công tác đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì đàm phán và tiến tới thực thi Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sau khi được thông qua. Theo đó, Bộ TN&MT giao Cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đầu mối triển khai nhiệm vụ. Đứng trước phiên đàm phán lần thứ 4, một phiên họp có ý nghĩa quan trọng khi chỉ còn 1 phiên cuối cùng vào năm 2024 để thế giới đưa ra một thỏa thuận ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng đóng góp cho kỳ họp thứ 4 này.

anh-2.jpg
Hội thảo tham vấn thành công với việc ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho Bản dự thảo số 0 Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, các tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo Tham vấn hướng đến phiên đàm phán thứ 4 Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu. Sự quan tâm của các đại biểu đến hội thảo đã thể hiện quyết tâm giảm thiểu chất thải nhựa. Những nỗ lực và đổi mới sáng tạo hiệu quả, có sự phối hợp tích cực của các bên liên quan trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang cùng hướng tới một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (dự kiến thông qua trong năm 2024).

Với định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hội thảo đã kết nối, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm liên quan đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; đổi mới, sáng tạo để giảm ô nhiễm nhựa, huy động tài chính và đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa…Dự thảo số 0 sửa đổi là trọng tâm của hội thảo lần này để có được những thông tin hữu ích cho công tác đàm phán. Dự thảo mới nhất dù chưa được hoàn thiện nhưng cũng đã được chỉnh sửa và cụ thể, chi tiết hơn đối với từng điều khoản với tất cả các khía cạnh liên quan đến nhựa. Đối tượng hưởng lợi và chịu tác động đa dạng bao trùm toàn xã hội nên có rất nhiều quan điểm đưa ra, kể cả các ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, đó chính là chìa khóa để gợi mở cho đoàn công tác tham gia phiên Thỏa thuận lần thứ 4.

Cục Biển và hải đảo cũng đã ghi nhận được nhiều ý kiến tập trung vào từng nội dung được đề cập đến Bản dự thảo số 0 sửa đổi của Thỏa thuận, đây là những gợi ý quan trọng để Đoàn đàm phán Việt Nam xây dựng được kịch bản toàn diện hơn trong phiên đàm phán như: kiểm soát minh bạch các hóa chất độc hại khi sản xuất nhựa; chuyển đổi công bằng đối với người lao động tự do trong suốt vòng đời nhựa;Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với toàn bộ vòng đời nhựa.

Quyền miễn trừ đề nghị được làm rõ thời hạn đối với Việt Nam. Các ý kiến đóng góp cho rằng các phiên đàm phán nên ưu tiên các quy tắc toàn cầu để giảm khó khăn cho các quốc gia khi tìm các nguyên tắc riêng cho mình dù có những quan điểm khác nhau trong dự thảo.

Bên cạnh việc thu thập được khá đầy đủ và toàn diện ý kiến của các doanh nghiệp nhựa và những ngành liên quan nhiều đến nhựa thì Đoàn đàm phán còn ghi nhận những chia sẻ của các nhà lập chính sách. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã đem đến cho hội thảo một bức tranh toàn cảnh về thể chế chính sách của Việt Nam hiện nay đối với kiểm soát rác thải nhựa. Kiểm soát lượng nhựa sản xuất cùng với việc quản lý rác thải nhựa sẽ mở ra tiềm năng của việc tái sử dụng và tái chế, giúp làm giảm chi phí thu gom, xử lý rác thải nhựa trước khi rò rỉ ra biển vì đây là đối tượng bị tác động cuối cùng trong dòng chảy của rác thải nhựa nhưng lại bị tổn thượng mạnh mẽ nhất và cũng là mắt xích đầu tiên trong chuỗi thức ăn để đi vào cơ thể con người.

11-768x432.png
Bãi biển ngập rác sau mưa lớn - hậu quả của thói quen tiêu dùng và thiếu công nghệ xử lý - ảnh minh họa

Đặc biệt, với sự nghiên cứu của mình Đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bà Nguyễn Mỹ Hằng, Trưởng phòng Phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế đã chia sẻ với Hội thảo về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp, giảm thiểu. Bài trình bày đã đưa ra nhiều dữ liệu minh họa về lượng rác thải nhựa ra biển hiện nay trên thế giới và khu vực nhưng chưa có số liệu cụ thể của Việt Nam mặc dù đã có một số phương pháp đánh giá tính toán rác thải nhựa ra đại dương. Như vậy, chưa thể khẳng định Việt Nam là một trong các quốc gia thải ra đại dương một lượng rác thải nhựa lớn nhất, mà chỉ có thể nói Việt Nam đang gánh hậu quả nặng nề vì ô nhiễm nhựa do thiếu phương án xử lý và cách tiêu dùng của người dân. Đây cũng là nội dung đặc biệt quan trọng để Đoàn đàm phán có thể trình bày tại các phiên thảo luận nhằm hướng đến một khung thỏa thuận phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của chúng ta hơn. Bài thuyết trình của bà Mỹ Hằng cũng đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả rác thải nhựa dại dương và xác định các vấn đề chính cần giải quyết trong giai đoạn sắp tới.

Như vậy có thể thấy, dù có những quan điểm khác biệt nhau giữa doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ môi trường về một số điều khoản của Dự thảo Thỏa thuận số 0 sửa đổi, nhưng đã ghi nhận ý kiến cũng thống nhất cần tiến tới giảm thiểu rác thải nhựa để phù hợp với bối cảnh chung của quốc tế. Những nội dung thu được từ Hội thảo và những nghiên cứu của đại biểu là những vấn đề cốt lõi để Đoàn đám phán xây dựng kịch bản đàm phán phù hợp với sự phát triển của Việt Nam song vẫn đóng góp vào tiến trình giảm ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Tiếp thu nhiều nội dung quan trọng cho phiên đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO