Thẩm định dự án phân vùng rủi ro và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở

Khánh Ly| 16/01/2021 07:55

(TN&MT) - Ngày 15/1, tại trụ sở Bộ TN&MT, Hội đồng thẩm định Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi” đã họp và thống nhất thông qua đề cương dự án.

Đây là một trong 7 nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Đề án “Điều tra, đánh giá xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”. Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) là cơ quan quản lý nhiệm vụ và Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia chủ trì thực hiện.

Ông Trần Bình Trọng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) phát biểu tại cuộc họp

Đại diện đơn vị chủ trì, ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia đã trình bày về đề cương dự án. Theo đó, dự án đề ra mục tiêu đánh giá được mức độ rủi ro và xây dựng được bản đồ phân vùng rủi ro đối với lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi; đồng thời, xây dựng được các bản đồ cảnh báo thiên tai lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa thời gian thực.

Phạm vi thực hiện dự án tại 37 tỉnh vùng núi và 34 lưu vực sông chính, 95 tiêu lưu vực. Đối tượng nghiên cứu chính là lũ quét, sạt lở và trượt lở đất. Riêng sụt lún đất, Trung tâm kiến nghị không thực hiện mà chỉ tích hợp các sản phẩm của các dự án và hệ thống để chia sẻ với các cơ quan, địa phương. Dự án sẽ triển khai trong 3 năm từ 2021 – 2023, với kinh phí lấy từ nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Sản phẩm của dự án bao gồm: Số liệu, tài liệu về điều kiện tự nhiên, địa hình, trầm tích, lớp phủ, hiện trạng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dân cư, cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất do mưa; bôn bản đồ hiện trạng lũ quét, sạt lở đất được cập nhật đến năm 2020 tỷ lệ 1:50.0000 của 37 tỉnh; báo cáo phân tích, đánh giá tính dễ bị tổn thương, xác định các chỉ số rủi ro cho khu vực trung du và miền núi; bản đồ phân vùng rủi ro và bản đồ cảnh báo thiên tai do lũ quét, sạt lở đất do mưa thời gian thực cho khu vực trung du và miền núi.

GS.TS Trần Thục, thành viên Hội đồng thẩm định phản biện nội dung đề cương dự án

Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng thẩm định đã cho ý kiến phản biện cũng như nhận xét, đánh giá về các nội dung trong đề cương dự án. Hội đồng đánh giá cao bản đề cương đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, đưa ra hiện trạng phân vùng cảnh báo hiện nay, các sản phẩm và kết quả điều tra, nghiên cứu trước đó mà dự án có thể kế thừa; xác định những thiếu hụt, tồn tại cần triển khai các hoạt động nghiên cứu mới. Sản phẩm dự án phù hợp với mục tiêu đề ra, có ý nghĩa to lớn trong công tác phòng tránh thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng khối lượng công việc khá lớn trong khi thời gian thực hiện chỉ có 3 năm. Vì vậy, đơn vị cần cân nhắc việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có nhiều đề tài, dự án trong lĩnh vực này như Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu… bên cạnh đó, xem xét cân đối kế hoạch và kinh phí thực hiện để có tính khả thi nhất .Dự án cũng có thể tính đến phương án phổ biến thông tin dự báo, cảnh báo trên các thiết bị thông minh để cộng đồng có thể tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi.

TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp

Theo ông Trần Bình Trọng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT), các nội dung trong đề cương dự án cần cập nhật thêm các yêu cầu mới của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về Đề án tổng thể “Điều tra, đánh giá xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”.

Để triển khai theo chủ trương mới và tăng tính khả thi, dự án cần phân kỳ thực hiện. Giai đoạn thứ nhất, từ năm 2021 - 2022, thực hiện cho 25 tỉnh đã có sẵn bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.0000. Giai đoạn 2 tiếp tục làm cho các tỉnh còn lại. Mục tiêu là phải xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo cho tất cả các xã có nguy cơ rủi ro. Đặc biệt, quá trình thực hiện phải kết hợp với chính quyền địa phương để bổ sung số liệu điều tra khảo sát, thông tin hiện trạng.

Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thống nhất thông qua đề cương dự án, đồng thời, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu và rà soát, sửa chữa các nội dung theo ý kiến của Hội đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm định dự án phân vùng rủi ro và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO