Xã hội

Phát huy lợi thế nông nghiệp để giảm nghèo

Đình Du 30/09/2024 - 21:57

(TN&MT) – Huyện Hàm Thuận Nam chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán thường xuyên xảy ra. Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng sang loại cây chịu được hạn, mang lại năng suất cao, giúp người dân giảm nghèo.

1.jpg
Người dân Bình Thuận ngày càng nhân rộng trồng cây thanh long

Ứng dụng KHKT khắc phụ khô hạn

Từ một vùng đất khô hạn, nhưng nhờ được tập trung đầu tư xây dựng mới và mở rộng nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, nên Hàm Thuận Nam đã từng bước khắc phục được tình trạng khô hạn, thiếu nước. Đến nay, địa phương đang phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhất là hình thành các vùng chuyên canh đối với cây thanh long, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và hiệu quả sử dụng đất.

Những năm gần đây, bước vào mùa khô, người dân huyện Hàm Thuận Nam không còn lo lắng trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất trong nông nghiệp. Bởi các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện luôn đảm bảo nguồn nước, đáp ứng nhu cầu thường ngày của người dân. Đặc biệt là tuyến kênh chuyển nước Sông Móng – Đu Đủ - Tân Lập luôn dẫn nước lưu thông. Ngoài ra, hồ Tân Lập, hồ Tà Mon, hồ Đu Đủ, đập Ba Bàu, hồ Sông Móng...dẫn nước đến từng khu vực sản xuất nông nghiệp của hộ dân.

Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, từ một huyện chưa có công trình thủy lợi quy mô lớn, nhưng hiện nay hệ thống thủy lợi trên địa bàn đã được đầu tư nhiều công trình lớn, với tổng lưu lượng nước tích được hàng năm trên 49 triệu m3 và tổng diện tích tưới chủ động nước hiện nay là trên 6.500 ha. Trong thời gian tới, khi dự án đầu tư hồ Ka Pét với dung tích chứa hơn 50 triệu m3 nước được triển khai sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy nông nghiệp của huyện càng phát triển.

Xác định cây thanh long là cây trồng chủ lực vì loại cây này chịu được hạn tốt, mang lại năng suất cao nên huyện Hàm Thuận Bắc đã khuyến khích nhân dân phát triển cây thanh long nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Một điểm sáng khác trong phát triển kinh tế của huyện Hàm Thuận Nam những năm qua là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm triển khai và đạt kết quả bước đầu. Nhất là việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được mở rộng, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng nhiều loại cây trồng trên địa bàn huyện.

2.jpg
Đa dạng hóa từ thanh long để xuất khẩu ra nước ngoài

Để trái thanh long luôn “ngọt”

Từ việc xác định cây thanh long là cây trồng lợi thế, huyện Hàm Thuận Nam đã triển khai quyết liệt chương trình sản xuất thanh long VietGAP. Chính cây thanh long đã làm thay đổi rõ rệt đời sống của người dân trong khu vực, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc. Địa phương đang không ngừng xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực đầu tư tham gia vào chuỗi liên kết, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp, địa phương đã và đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng chất lượng, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường.

Từ một huyện sản xuất nông nghiệp từ cây lúa và các loại cây trồng khác. Huyện Hàm Thuận Nam đã chuyển sang phát triển nhanh cây công nghiệp dài ngày và cây ăn trái có tính chiến lược lâu dài như thanh long.

Năm 1983 có khoàng 430 ha cây điều và một số diện tích cây ăn quả khác, nhưng hiện nay diện tích cây lâu năm hơn 23.000 ha, cây thanh long được xem là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo, góp phần đổi thay đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân.

Sản lượng trái thanh long tăng vượt trội đã tạo được lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu. Chính vì vậy chính quyền địa phương đã nỗ lực hình thành các vùng chuyên canh đối với các cây thanh long, từng bước chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Thanh long ruột đỏ, thanh long ruột tím hồng, góp phần tăng thu nhập và hiệu quả sử dụng đất. Hiện nay, huyện Hàm Thuận Nam chú trọng đến việc đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm góp phần nâng cao năng suất và sản lượng nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam có khoảng 70 ha thanh long đã được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Theo Sở NN&PTNN Bình Thuận, người dân và doanh nghiệp đã mạnh dạn tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất theo Nghị định số 98 của Chính phủ, Nghị quyết số 86 của HĐND tỉnh. Đó là huy động các nguồn lực để liên kết, hợp tác phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và lựa chọn các lĩnh vực, dự án thế mạnh để ưu tiên đầu tư, cụ thể là thanh long và các cây trồng, vật nuôi có giá trị cao phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của huyện.

Từ phong trào “nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã giúp cho nhiều hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về mọi mặt, phát huy tốt trí tuệ và vật lực của nông dân nhằm khai thác tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhờ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã khơi dậy và phát huy đức tình cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, lòng tương thân, tương ái, đoàn kết, chia sẻ khó khăn, nỗ lực cùng vươn lên trong lao động, sản xuất và cuộc sống của nông dân huyện Hàm Thuận Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy lợi thế nông nghiệp để giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO