Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Từ một tỉnh miền núi nhiều khó khăn, những năm gần đây, Sơn La đang trên đà đổi mới, đẩy mạnh phát triển đô thị. Song song đó, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TN&MT càng trở nên quan trọng hơn. Ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Ngành TN&MT Sơn La đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những đóng góp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai có chuyển biến rõ nét, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư; xử lý vi phạm về đất đai bước đầu đã đạt được kết quả tích cực; vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản được tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.
Tỉnh đã tích cực triển khai Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản; quan tâm bảo vệ môi trường (BVMT); đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm. Đặc biệt, từ năm 2021, Sơn La triển khai ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh trong quản lý tài nguyên, BVMT. Đây được coi là một trong những giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý TN&MT ngay từ cơ sở.
Còn theo ông Vũ Ngọc Vương - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, thời gian qua, Điện Biên đã đẩy mạnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại 2 huyện. Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, triển khai quan trắc phân tích hiện trạng môi trường tỉnh; hoàn thành xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát chặt quản lý khoáng sản, tài nguyên nước (TNN), khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản, TNN… có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở TN&MT 6 tỉnh Tây Bắc đã tiếp nhận, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 58 hồ sơ TNN; 4 hồ sơ gia hạn khai thác khoáng sản, 5 hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản trong diện tích dự án đầu tư xây dựng công trình, 6 hồ sơ thăm dò, khai thác khoáng sản... Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 38 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 1 Giấy phép môi trường; 2 kế hoạch BVMT; 10 cơ sở hoàn thành công trình BVMT; 4 hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại...
Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, từ đầu năm tới nay, các Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022; điều chỉnh, bổ sung quy mô, địa điểm, số lượng công trình, dự án trong Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 để hoàn thiện phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trước khi tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) tỉnh. Công tác thanh, kiểm tra đi vào trọng tâm, trọng điểm, với 27 cuộc thanh, kiểm tra, tổng tiền phạt hơn 2.370 triệu đồng; tiếp 182 lượt công dân với nội dung phản ánh, kiến nghị về đất đai, khoáng sản, môi trường. Xây dựng và công bố công khai địa chỉ đường dây nóng tiếp nhận kiến nghị, phản ánh về các lĩnh vực ngành trên địa bàn…
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, hướng tới phát triển bền vững
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát động, hưởng ứng các phong trào thi đua được quan tâm, đổi mới về nội dung, phương pháp thực hiện. Qua các đợt phát động, các phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực để công chức, viên chức, người lao động nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT - XH. Hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong quản lý Nhà nước về TN&MT; tài nguyên đất, nước, khoáng sản, môi trường được quản lý chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra điểm nóng gây bức xúc trong nhân dân.
Sở TN&MT 6 tỉnh khu vực Tây Bắc gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La; là cơ quan tham mưu giúp UBND các tỉnh quản lý Nhà nước về đất đai, nước, khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc bản đồ, viễn thám. Cùng với sự trưởng thành của Sở TN&MT, hệ thống Phòng TN&MT cấp huyện được thành lập và đi vào hoạt động, tham mưu tích cực cho UBND các huyện, thành phố trong quản lý Nhà nước về TN&MT. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý TN&MT cấp xã cũng được kiện toàn, thường xuyên được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Thời gian tới, phát huy những thành tích đã đạt được, chủ động khắc phục khó khăn, hạn chế, các Sở TN&MT khu vực Tây Bắc sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về TN&MT. Phối hợp thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch; phát huy tối đa nguồn lực đất đai cho phát triển KT - XH. Triển khai hiệu quả Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố. Thanh, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Kiểm soát chặt các hoạt động khai thác khoáng sản, xả thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh…