Giải đáp ngay những kiến nghị từ thực tiễn
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến từ thực tiễn đã được lãnh đạo các tỉnh cùng lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh kiến nghị. Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cùng các Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng giải đáp từng kiến nghị của các địa phương.
Về chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong khu dân cư mà lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hưng Yên kiến nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã có một số sửa đổi về các chính sách, ưu đãi hỗ trợ bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cũng đã có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ trong các văn bản khác có liên quan. Bộ giao Tổng cục Môi trường tiếp tục theo dõi, đánh giá, cần thiết tiếp tục đề xuất với Bộ, Tổng cục để tham mưu, trình Chính phủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới có hiệu quả hơn.
Về quy định về khoảng cách bảo vệ môi trường trong khu dân cư, hiện nay các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường mới tập trung vào quy chuẩn thải, quy chuẩn chất lượng môi trường xung quanh; các quy định về khoảng cách an toàn chủ yếu thực hiện các quy chuẩn về xây dựng. Bộ đang giao Tổng cục Môi trường rà soát tổng thể đề xuất sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường sẽ ban hành quy định về vấn đề nay trong năm 2019. Về quy định chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, Bộ đang xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết trong đó bổ sung các quy định nhằm tích hợp các báo cáo về môi trường của doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, để tháo gỡ vướng mắc Bộ sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất Chính phủ bổ sung vào Nghị định sửa đổi Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về đấu thầu để các địa phương thống nhất thực hiện đảm bảo cơ sở pháp lý.
Về vướng mắc liên quan đến các dự án sản xuất, kinh doanh thuộc diện tự thoả thuận mà có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất đó theo quy định tại khoản 15 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
Vấn đề khoanh định, công bố một số khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Bộ giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam rà soát, sớm trình Bộ trưởng các khu vực có đủ điều kiện (trước mắt là 03 khu vực có đủ điều kiện) để phê duyệt trong tháng 7 năm 2019; trình Bộ Tài nguyên và Môi trường văn bản hướng dẫn việc thực hiện thủ tục cấp phép khai thác tận thu khoáng sản.
Kiến nghị thống nhất thẩm quyền giao đất, giao khu vực biển đối với các dự án có sử dụng đất, có sử dụng biển. Về vấn đề này Bộ đã sửa đổi trong Nghị định sửa đổi Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo hướng thống nhất với thẩm quyền giao đất, trừ trường hợp các dự án có yếu tố nước ngoài cần lấy ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương.
Ưu tiên các nhóm nhiệm vụ chiến lược
Trên cơ sở phân tích và trả lời cụ thể những kiến nghị của các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ chiến lược, một số vấn đề toàn ngành cần tập trung triển khai trong 6 tháng cuối năm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ, về thể chế chính sách, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bởi chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật đúng đắn, phù hợp sẽ tạo được những đột phá có tính cách mạng cho phát triển trong giai đoạn tiếp theo; đặc biệt đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường là đầu vào và đầu ra của các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trước mắt, tập trung xây dựn các quy hoạch đất đai, tài nguyên nước, môi trường, khoáng sản, không gian biển, tài nguyên nguyên vùng bờ với tư duy mới tiếp cận tổng hợp, theo không gian, phát huy lợi thế tự nhiên của tài nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết được các yêu cầu phát triển trước mắt và lợi ích lâu dài cho các thế hệ mai sau.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách, đưa kiến nghị đến với các Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương. Từ đây, chính sách khi được xây dựng sẽ mang tính thực tiễn cao. Từ nay đến cuối năm Bộ sẽ triển khai một số Hội nghị chuyên đề về hoàn thiện chính sách về đất đai, môi trường, cơ sở dữ liệu thông tin về tài nguyên và môi trường; tiêu chuẩn về môi trường; hội nghị về quản lý chất thải rắn…
Tiếp đến, “phải tạo cơ chế gắn kết giữa các địa phương đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cần có sự tương tác thường xuyên để tháo gỡ những khó khăn trong việc thực thi chính sách. Xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản hướng dẫn dùng chung để các địa phương tham khảo, nghiên cứu, thực hiện thống nhất đối các trường hợp tương tự để giảm văn bản trao đổi. Bộ giao cho Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường hoàn thiện hệ thống tương tác để Bộ trưởng các đơn vị, các Sở Tài nguyên và Môi trường có thể trao đổi chuyên môn, tham khảo kinh nghiệm của các địa phương” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để làm được điều này, Bộ trưởng đề nghị, Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên vàmôi trường xem xét việc kết nối về thông tin giữa Bộ với các Sở như thế nào? Việc ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối là vô cùng cấp thiết, là yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra hàng đầu.
Bộ trưởng chỉ rõ, cơ sở dữ liệu là nền tảng cho quản lý, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng kết nối vạn vật để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng. Do đó, cần phải tập trung các nguồn lực để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường; trong đó cơ sở dữ liệu đất đai Nghị quyết của Quốc hội giao phải hoàn thành trước năm 2023 đối với đô thị và trước 2025 đối với các tỉnh, thành phố còn lại. Bộ mong muốn các tỉnh cần quan tâm dành nguồn thu từ đất đai cho công tác này.
Liên quan đến sắp xếp bộ máy của các Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh quan tâm, chỉ đạo việc sắp xếp cơ cấu tổ chức của các Sở, chú ý bảo đảm tinh gọn nhưng phải trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Nội vụ; bảo đảm tiêu chí khi sắp xếp, đáp ứng yêu cầu quản lý. Trước mắt, các tỉnh cần rà soát gửi các đề án vị trí việc làm của Sở về Bộ để xây dựng khung vị trí việc làm của ngành, trên cơ sở đó các Sở thực hiện (chuẩn hóa, sắp xếp, bố trí biên chế, đào tạo).