Tập trung đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông lâm, trường

11/09/2015 00:00

(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã phát biểu như vậy tại Hội nghị “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên và môi trường” được tổ chức tại Hà Nội sáng 11/9.

Tham dự Hội nghị có ông Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Dân tộc Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo các bộ: Nội Vụ, Tư Pháp, Xây dựng, NN&PTNT, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Thanh tra Chính phủ… Về phía Bộ TN&MT có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, lãnh đạo các Tổng cục, Văn phòng Bộ, các Cục, Vụ, Viện… và các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT. Giám đốc Sở TN&MT cùng Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đất đai của 63 tỉnh, thành phố của cả nước cũng về tham dự hội nghị này.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu khai mạc Hội nghị sáng 11/9 tại Hà Nội
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu khai mạc Hội nghị sáng 11/9

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định, trong thời gian qua, Bộ TN&MT luôn quan tâm, chỉ đạo, thực hiện công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Các văn bản Pháp luật do Bộ TN&MT soạn thảo được Quốc hội, Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây đã tạo nên hành lang pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT.

Kết quả cải cách hành chính của ngành TN&MT đã có nhiều chuyển biến tích cực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao. Đặc biệt, theo kết quả công bố ngày 04/9/2015, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2014 của Bộ TN&MT đứng thứ 8/19 bộ, cơ quan ngang bộ được đánh giá, tăng 6 bậc so với năm 2013 (đứng thứ 14/19) và tăng 8 bậc so với năm 2012 (đứng thứ 16/19) và là Bộ có Chỉ số CCHC tăng lớn nhất qua 3 năm (tăng 8,94 điểm).

“Để tiếp tục cải cách hành chính góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo kế hoạch hành động triển khai thực hiện chỉ thị, đề nghị các Bộ, ngành, đơn vị và các địa phương quán triệt, triển khai thực hiện. Đồng thời, trên cơ sở thực tiễn ở các địa phương thảo luận, bàn các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình liên thông thủ tục hành chính…” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

Báo cáo về thực trạng và giải pháp tăng cường quản lý đất đai tại các nông lâm trường của Bộ TN&MT do ông Lê Văn Lịch - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai trình bày cho biết: Tính đến hết năm 2012, cả nước có 447 nông, lâm trường đã được đo vẽ bản đồ các loại như bản đồ giải thửa, bản đồ địa chính với diện tích 5,95 triệu ha (chiếm 74,6% diện tích đang quản lý sử dụng); Việc rà soát lập điều chỉnh quy hoạch, phương án sử dụng đất của các nông lâm trường đã bước đầu được thực hiện.

Tuy nhiên, hồ sơ kỹ thuật, pháp lý của các nông, lâm trường như: bản đồ địa chính và hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, hồ sơ giao đất và cho thuê đất, hồ sơ quy hoạch và phương án sử dụng đất… chất lượng thấp, không phản ánh đúng ranh giới quản lý sử dụng trên thực tế. Vẫn theo ông Lê Văn Lịch, nguyên nhân chung của của nhiều tồn lại, hạn chế trong quản lý sử dụng đất nông lâm trường là thiếu hồ sơ kỹ thuật phản ánh đúng ranh giới sử dụng đất trên thực địa, có độ chính xác đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành quản lý đất đai.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Lê Văn Lịch báo cáo của Bộ TN&MT về thực trạng và giải pháp tăng cường quản lý đất đai tại các nông, lâm trường
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Lê Văn Lịch báo cáo của Bộ TN&MT về thực trạng và giải pháp tăng cường quản lý đất đai tại các nông, lâm trường

Bên cạnh đó còn các nguyên nhân như các nông, lâm trường buông lỏng quản lý đấ đai, cho thuê, cho mượn tùy tiện; Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ quan Nhà nước với nông, lâm trường, giữa nông lâm trường với người dân địa phương trong quản lý đất đai chưa chặt chẽ; Nhận thức pháp luật của người dân chưa đầy đủ; Các nông trường có lợi nhuận không cao, không có khả năng đáp ứng kinh phí để thực hiện đo đạc, lập hồ sơ…

Bộ TN&MT cũng đã đưa ra ba nhóm giải pháp tăng cường quản lý sử dụng đất tại các nông, lâm trường trong đó trước mắt tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với đất đai của các công ty, nông lâm nghiệp, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra…

“Đặc biệt, Bộ TN&MT sẽ tập trung đầu tư kinh phí để thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính, hoàn thành đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty, nông lâm nghiệp trong năm 2015 theo đúng tinh thần Nghị quyết 30-NQ/TW. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 33 địa phương với tổng kinh phí 647 tỷ đồng, đợt đầu hỗ trợ 150 tỷ đồng, phần kinh phí còn lại sẽ được bố trí trong năm 2016. Các địa phương phải bố trí ngân sách thuộc nhiệm vụ của địa phương… Đây là một trong những điều kiện quan trọng để có thể sớm hoàn thành công tác này” - ông Lê Văn Lịch nói.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đến từ các bộ, ngành, tỉnh, thành phố cũng đã phát biểu về các vấn đề liên quan đến đo đạc, kinh phí, vấn đề cải cách hành chính trong đăng ký quyền sử dụng đất… Vấn đề giới thiệu năng lực các nhà thầu đảm bảo được kỹ thuật đo đạc và tài liệu phục vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông lâm trường... “Ngay chiều 11/9, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương để cùng giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn với các tỉnh, thành.” - Phó Tổng Cục trưởng Lê Văn Lịch khẳng định.

Ông Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định nông lâm trường có vai trò hết sức quan trọng vì vậy cần sớm hoàn thiện việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông, lâm trường
Ông Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định cần sớm hoàn thiện việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông, lâm trường

Phát biểu tại hội nghị, ông Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định nông lâm trường có vai trò hết sức quan trọng. Trong 60 năm qua nhiều giai đoạn hoạt động, bên cạnh kết quả tích cực thì vẫn còn những tồn tại không nhỏ. Trong năm 2015, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát về thực trạng quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường. Đến nay, công tác giám sát việc sử dụng đất đai tại các nông lâm trường đã cơ bản hoàn thành. Ngày 27/8 vừa qua, Hội đồng Dân tộc đã giải trình 1 ngày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có thể nói lĩnh vực quản lý đất đai nông lâm trường mà liên quan đến Bộ TN&MT, các đơn vị trực thuộc Bộ đã làm tốt lĩnh vực này. Sau một thời gian triển khai bước đầu chúng tôi nhận thấy đã có những bi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường. Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hết tháng 12/1015 phải cơ bản sắp xếp xong nông lâm trường, cơ bản sắp xếp xong đất đai… nhưng đến giờ phút này, các tỉnh, thành vẫn chưa báo cáo được để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Sau 10 năm thực hiện đổi mới nông lâm trường nhưng trong thực tế hầu như vẫn chỉ đổi tên là chính, còn vấn đề quản lý, đo đạc, đo vẽ… cho nên đến giờ phút này chúng ta mới cấp giấy chứng nhận được khoảng 56% diện tích đất nông lâm trường mà thôi. Đó chính là các nông lâm trường chưa thực hiện nghiêm Luật Đất đai. Trong thời gian tới, đề nghị Bộ TN&MT hỗ trợ các địa phương tập trung đo đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm sao đảm bảo trong năm 2015 có thể hoàn thành. Cái khó nhất là kinh phí đo đạc cũng đã được tháo gỡ. Nhưng đối với các địa phương, chúng tôi kiến nghị Chính quyền địa phương đẩy mạnh việc trích 10% từ tiền thuê đất, từ tiền thuế đất để ngành TN&MT có kinh phí thực hiện việc đo đạc…” - ông Danh Út kiên quyết.

Toàn cảnh Hội nghị sáng 11/9
Toàn cảnh Hội nghị sáng 11/9

Phát biểu kết luận hội nghị, riêng về việc đẩy nhanh tiến độ rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất tại các nông lâm trường theo tinh thần Nghị quyết 30 – NQ/TW, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang yêu cầu các địa phương tập trung quyết liệt việc rà soát ranh giới, cắm mốc giới, lập hồ sơ ranh giới, giải quyết dứt điểm các trường hợp sử dụng đất trái quy định pháp luật, các chồng lấn, tranh chấp lấn chiếm của các nông, lâm trường, các công ty nông, lâm nghiệm để thực hiện đăng ký sử dụng đất.

“Do thời gian phải hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Chính trị giao còn rất ngắn, do đó các Sở TN&MT cần sớm tham mưu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn, khẩn trương lập và duyệt các đề án, phương án sắp xếp, thiết kế kỹ thuật dự toán, tổ chức thực hiện xác định ranh giới, cắm mốc giới, lập phương án sử dụng đất, đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp theo Nghị định 118/2004/NĐ-CP…” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý Đất đai hướng dẫn, kiểm tra các địa phương việc lập các thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án tổng thể và thực hiện các dự án cụ thể, xây dựng và tham mưu cho Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các dự án cấp bách… Tổng cục Quản lý đất đai cũng cần triển khai các đoàn về địa phương trọng điểm, hướng dẫn kiểm tra đôn đốc, kịp thời tháo gỡ, các vướng mắc khó khăn của các địa phương trong quá trình triển khai sắp xếp… Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đã nêu ra hàng loạt các vấn đề, giải pháp kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ công tác này.

Bài:Việt Hùng, ảnh: Hoàng Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông lâm, trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO