Ông Hồ Kiên Trung, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/01/2022 với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau, thay đổi căn bản so với các quy định hiện hành.
Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường được ban hành, Bộ TN&MT đã chủ động xây dựng tài liệu tuyên truyền các nội dung chính của Luật. Đồng thời, phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương cử cán bộ tuyên truyền để phổ biến, tuyên truyền sâu hơn về các chế định mới; đăng tải rộng rãi các bài viết, ấn phẩm phổ biến các quy định mới quan trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, Tổng cục đã mở chuyên mục “Tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị về chính sách, pháp luật về BVMT” trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục để tiếp nhận, giải đáp, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp trong triển khai quy định mới của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Sau 3 tháng, Tổng cục Môi trường đã nhận được hơn 700 câu hỏi của các Sở TN&MT và các doanh nghiệp đưa ra những vướng mắc, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Chính vì thế, Tổng cục Môi trường mong muốn chương trình tập huấn hôm nay sẽ tập trung phổ biến và giải đáp những vướng mắc cụ thể, chuyên sâu hơn giúp địa phương cập nhật các quy định mới và các văn bản hướng dẫn thi hành, giúp việc triển khai thực hiện được chính xác và thống nhất. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến đối tượng quản lý môi trường của các dự án đầu tư, quy định về quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (chất POP) khi Việt Nam đã tham gia Công ước Stockholm
Tại Hội thảo, các đại biểu được đại diện Tổng cục Môi trường báo cáo các nội dung chuyên sâu về: Thay đổi phương thức quản lý môi trường của dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; Quy định về quản lý các chất ô nhiễm khó phân huỷ….