Môi trường

Tạo điều kiện phát triển diện tích dược liệu dưới tán rừng

Khánh Ly 28/06/2024 - 17:26

(TN&MT) - Nhằm phát huy giá trị nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú của đất nước, các quy định pháp luật về đất đai và lâm nghiệp đã có sự điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện xã hội hóa cho việc thu hút các doanh nghiệp thuê môi trường rừng đầu tư để gây trồng, phát triển các loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao trong rừng.

Nguồn tài nguyên gắn với đất rừng

Qua nhiều năm, Việt Nam đã từng bước xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gene và trung tâm nghiên cứu giống cây thuốc trong cả nước, trải dài ở các vùng sinh thái. Theo TS. Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, tổng diện tích phát triển cây dược liệu đến nay khoảng hơn 357 nghìn ha. Riêng diện tích trồng trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trồng dưới tán rừng là hơn 220 nghìn ha.

Các loài chủ lực ở vùng Tây Bắc bộ là: quế, thảo quả, sơn tra/táo mèo; vùng Đông Bắc Bộ là: quế, hồi, thảo quả, ba kích; sa nhân; vùng Tây Nguyên chủ yếu là: nghệ, sâm Ngọc Linh, gừng, sả... Có 76 vùng trồng được Bộ Y tế cấp chứng nhận Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

cayduoclieu-17189651123661631584744.jpg
Diện tích trồng dược liệu trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trồng dưới tán rừng là hơn 220 nghìn ha

Đặc biệt, canh tác dược liệu hay thu hoạch dược liệu từ rừng là một trong những nguồn thu giúp các địa phương thực hiện tốt chủ trương xóa đói, giảm nghèo. Tại huyện Bình Gia của tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2020 đến nay, gần 50 hộ trồng rừng trên địa bàn huyện bắt đầu trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng như cây sa nhân tím, cát sâm, chè hoa vàng… với tổng diện tích gần 32ha. Hiện, thương lái thu mua quả sa nhân tươi với giá 65 – 70 nghìn đồng/kg, hạt cát sâm là 600 nghìn đồng/kg hạt khô, đặc biệt là chè hoa vàng, hoa tươi sau thu hoạch đã bán được với giá 600 nghìn đồng/kg.

Hiện nay, một số hộ thực hiện trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng như sa nhân tím, cát sâm, chè hoa vàng… trên địa bàn huyện Bình Gia đã có thu nhập trung bình từ 50 – 150 triệu đồng/năm tùy vào diện tích trồng. Theo ông Lương Ngọc Toản, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Gia: Những năm gần đây, bên cạnh phát triển các loài cây lấy gỗ, việc phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng đã và đang giúp người dân tăng thu nhập; tận dụng quỹ đất hiện có và đa dạng các loại cây trồng. Việc phát triển diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng đã và đang góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, tận dụng tốt diện tích dưới tán rừng để xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.

duoclieu-sp.jpg
Sản phẩm từ cây dược liệu rất phong phú và giúp tăng thu nhập cho bà con

Một địa phương khác là huyện Mường Từ, tỉnh Lai Châu cũng đang tập trung trồng giống dược liệu quý bản địa là sâm Lai Châu. Tại xã Pa Vệ Sủ của Lai Châu, nhiều bản đã có các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư trồng sâm, cùng với gây giống nhiều loại dược liệu quý hiếm khác. Bước đầu đã hình thành chuỗi giá trị dược liệu tại xã vùng cao này.

Nhờ đó, hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm. Từ tín hiệu tích cực của Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè đang nỗ lực xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng, trên cơ sở hướng dẫn người dân khai thác hợp lý và trồng dược liệu dưới tán rừng. Khuyến khích hình thành các tổ chức sản xuất giống dược liệu tiêu chuẩn nhằm cung cấp cho nhân dân và trồng khảo nghiệm.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động gây trồng, phát triển cây dược liệu, nhất là một số loài cây quý, hiếm, cây có giá trị kinh tế cao trong hệ sinh thái rừng đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ gia đình nhận đất, nhận rừng, nhất là người dân sinh sống ở vùng sâu, xa, vùng đồng bàn dân tộc thiểu số.

Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến kích đầu tư phát triển dược liệu. Tại các địa phương đã có các cơ chế đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu trong nước thông qua các dự án phát triển nông thôn, miền núi và chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tuy nhiên, trên bình diện cả nước, các sản phẩm vẫn phần nhiều mang tính tự cung tự cấp tại địa phương, do cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị và đặc biệt thiếu thông tin thị trường quốc tế. Đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nuôi trồng, chế biến sản xuất đáp ứng nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế.

Quy định về cho thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu

Tuy vậy, Luật Lâm nghiệp năm 2017 mới chỉ quy định việc gây trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng được triển khai thực hiện trong rừng phòng hộ và rừng sản xuất theo hình thức sản xuất lâm, nông kết hợp và do chủ rừng tự thực hiện; chưa quy định đối với hình thức liên kết, cho thuê môi trường rừng để gây trồng, phát triển, khai thác cây dược liệu.

Đối với rừng đặc dụng, Luật Lâm nghiệp không quy định được gây trồng, phát triển, khai thác cây dược liệu dưới tán rừng nhằm mục đích thương mại. Do vậy, việc xã hội hóa, thu hút nguồn lực của xã hội để đầu tư, phát triển cây dược liệu liệu trong rừng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp thuê môi trường rừng đầu tư để gây trồng, phát triển các loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao trong rừng.

image005.jpg
Nhiều loại dược liệu có giá trị lớn như nấm Linh chi, sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh...

Do pháp luật về lâm nghiệp chưa quy định về hình thức cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu và trồng, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng theo đề nghị của các địa phương, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng Chính Phủ xem xét, cho phép xây dựng“Đề án thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu”, và ban hành Quyết định phê duyệt Đề án dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật.

Luật Đất đai năm 2024 vừa ban hành đã bổ sung quy định “Nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất” tại các khoản 7, 8 và 9 của Điều 248 về sửa đổi, bổ sung các Điều 53, 56 và 60 Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Theo đó, chủ rừng xây dựng phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học.

Hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2024 theo quy định tại khoản 2 Điều 252 Luật Đất đai. Đồng thời, tại khoản 5 Điều 5 Luật Lâm nghiệp đã giao Chính phủ quy định chi tiết Quy chế quản lý rừng.

Các quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng. Đây là nền tảng để dược liệu Việt Nam có thể trở thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới. Theo Phó Cục trưởng Trần Minh Ngọc, Việt Nam sẽ cần tập trung đầu tư phát triển các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tận dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và chính sách tín dụng ưu đãi cho nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý trong thời gian tới góp phân nâng cao đời sống người dân dưới tán rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo điều kiện phát triển diện tích dược liệu dưới tán rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO