Xã hội

Đưa nhiều cây dược liệu quý của người Tày vào chữa bệnh hiếm muộn

Doãn Xuân (thực hiện) 03/09/2024 16:32

Không chỉ hành nghề chữa bệnh, Lương y Nguyễn Thị Thái còn góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và phát triển nhiều cây dược liệu, bài thuốc quý của dân tộc Tày, qua đó giúp nhiều hộ dân giảm nghèo, thoát nghèo bền vững. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Lương y Nguyễn Thị Thái, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang về vấn đề này.

PV: Thưa bà, cơ duyên nào đã đưa mình đến với nghề làm Nam dược và phát triển nguồn gen dược liệu quý của Việt Nam?

anh-1.png
Lương y Nguyễn Thị Thái

Lương y Nguyễn Thị Thái:

Tôi may mắn được sinh ra trong dòng họ Nguyễn nổi tiếng 3 đời bốc thuốc cứu người. Chính cái nôi gia đình giàu truyền thống y đức và lớn lên tại quê hương Hà Giang, nơi được trời phú cho những cây thuốc quý của đồng bào dân tộc Tày đã làm nảy nở và vun vén tình yêu của tôi với các loại cây dược liệu.

Từng cây thuốc có những dược tính khác nhau, thiếu một vài vị cũng ảnh hưởng tới mức độ hiệu quả của bài thuốc. Đối với tôi, các bài thuốc đều có giá trị với nghề vì nó đã giúp mọi người khỏi bệnh và có những tin vui.

Thực ra để kiểm đếm hết tên cây dược liệu chắc phải mất cả ngày, để chủ động nguồn dược liệu, tôi luôn tìm kiếm những cây thuốc từ khắp mọi nơi, có khi lấy tận các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long… những cây thuốc phải tươi, lấy từ những người dân bản địa khu vực đó.

anh-2-y-duoc.jpg
Kho thuốc Nam

Và sau này, để chủ động nguồn dược liệu tôi đã dày công tìm hiểu nguồn đất, nguồn nước và các giống cây thuốc dễ trồng để tiến hành nhân giống.

PV: Bà có thể chia sẻ thêm về cách sơ chế những nguyên liệu này và do đâu mọi người đánh giá mình là "kho thuốc Nam" vùng Đông Bắc?

Lương y Nguyễn Thị Thái:

Sau khi lấy về, cây dược liệu sẽ được sơ chế qua các công đoạn: Rửa sạch sẽ, không dính đất, sau đó sẽ được băm làm sao để cây thuốc khi khô kích cỡ vừa phải, không quá to hoặc bé để dễ sử dụng.

Phơi thuốc là công đoạn tiếp theo trong sơ chế, thuốc được phơi phải đảm bảo đủ ngày nắng để về sau không bị hỏng, mốc. Nếu trong trường hợp thời tiết xấu, không thuận lợi cho việc phơi thì sẽ sấy qua để thuốc không bị hỏng. Tôi đã đầu tư cả một lò sấy thuốc rất quy mô và bài bản, được chính quyền địa phương ủng hộ và đánh giá cao.

anh-3-y-duoc.jpg
Công nhân đang sơ chế cây dược liệu

Hiện tại, ngoài nhà kho bảo quản dược liệu, thì sân, hiên nhà, trong ở, nơi nào có thể bảo quản được dược liệu tôi đều tận dụng hết. Nhiều Lương y tìm đến để tham quan và cũng như chính quyền đến kiểm tra định kỳ đều có chung nhận định: Nhà mình là “kho thuốc Nam”, tôi không biết họ dựa vào đâu để nói vậy nhưng chắc là do số lượng loại cây dược liệu tôi đang nắm giữ.

PV: Bà có thể chia sẻ thêm về nghề của mình?

Lương y Nguyễn Thị Thái:

Ngoài sinh ra trong gia đình truyền thống 3 đời bốc thuốc cứu người, tôi may mắn được đồng nghiệp và các bậc tiền nhân đi trước chỉ bảo, cũng như sự giúp đỡ tạo điều kiện của Hội Đông y tỉnh Hà Giang, Hội Đông y huyện Bắc Quang, các Sở, ban, ngành liên quan và sự tin tưởng của người bệnh, nếu không có sự động viên, khích lệ kịp thời đó thì chắc chắn không có thành quả của mình hôm này.

Tôi chuyên chữa vô sinh hiếm muộn phụ nữ, bệnh viêm phụ khoa… Trước đây, sau một vài trường hợp tìm đến chữa bệnh phụ khoa và vô sinh hiếm muộn, họ thấy mặt mình còn “búng ra sữa” nên hoài nghi, nói thật là họ không tin mình. Nhưng cuối cùng “quả ngọt” đã đến với mình khi nhiều cặp gia đình hiếm muộn đã có con, nhiều bệnh nhân được chữa khỏi, tiếng lành đồn xa, người bệnh tự giới thiệu cho nhau, bây giờ bệnh nhân của mình khắp cả nước, thậm chí có cả người Việt ở nước ngoài đã tin tưởng sử dụng.

Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng mong con 8 - 9 năm, thậm chí hơn chục năm. Sau khi uống thuốc và có tin vui, nhiều cặp vợ chồng đã nhắn tin và gọi điện cho tôi, họ rơi những giọt nước mắt hạnh phúc và cảm ơn tôi. Tôi cảm thấy rất vui vì việc làm nhỏ của mình đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho họ.

PV: Hiện tại tỉnh Hà Giang đang có Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, vậy cá nhân bà có hưởng ứng và tham gia nhân rộng diện tích cây dược liệu cho địa phương?

Lương y Nguyễn Thị Thái:

Đề án này đã triển khai được nhiều năm rồi, bước đầu đem lại kết quả nhất định cho nhiều địa phương. Ngoài phát triển các cây ăn quả, cây cao sản, nhiều hộ dân đã quan tâm cải tạo và trồng các cây dược liệu như: Bồ công anh, hà thủ ô đỏ, thài lài tía, thâu pú lùa, mật nhân, ích mẫu, lá náng… đều được cơ sở thu mua 100%.

Hiện tại, tôi đã nhân giống được khoảng gần 3ha cây dược liệu quý của dân tộc Tày ở huyện Bắc Quang. Sắp tới và thực tế tôi đã đi khảo sát nhiều lần ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Tôi sẽ quyết định thuê đất và trồng cây dược liệu quy mô lớn ở đây, vì Quản Bạ có khí hậu mát quanh năm, rất phù hợp cho cây dược liệu phát triển.

z4691180295794_1572136f9aa6082c2c8645b84337a296.jpg
Cây dược liệu sau khi sơ chế được phơi dưới ánh nắng tự nhiên

Thực ra, các huyện trong tỉnh Hà Giang đều có thế mạnh phát triển cây dược liệu, vấn đề là người dân có quyết tâm trồng và gắn bó lâu dài không! Lâu nay bà con toàn khai thác tự phát trong vườn nhà mình, vườn nhà người quen, bờ xuối, bìa rừng… tức là khai thác manh mún, nhỏ lẻ và tận thu là chính. Qua Báo Tài nguyên và Môi trường, nếu có bà con nào trong tỉnh Hà Giang hoặc cả nước quan tâm và muốn trồng cây dược liệu quy mô lớn thì liên hệ cho tôi, tôi sẽ tư vấn trồng cây dược liệu và đảm bảo đầu ra 100%.

Đi đôi với việc mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, thời gian qua tôi vẫn phải tìm mua nguồn dược liệu ngoài tự nhiên, chủ yếu người dân vào rừng khai thác hàng ngày và thu gom ở trong Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ để phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân.

PV: Vậy cơ sở của bà đã tạo việc làm cho người lao động và giúp nhiều hộ dân địa phương thoát nghèo?

Lương y Nguyễn Thị Thái:

Hiện tại, cơ sở đang giải quyết việc làm cho 25 lao động trực tiếp tại xưởng, họ là người địa phương, với thu nhập ổn định 6 - 7 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động gián tiếp.

Có rất nhiều người được tôi giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm về trồng và chăm sóc cây dược liệu cũng như bao tiêu đầu ra cho cây dược liệu. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ nghề trồng cây dược liệu. Thậm chí, nhiều hộ còn mạnh dạn trồng đa dạng thêm nhiều loại cây dược liệu để bán lại cho các công ty thu mua dược liệu ở dưới xuôi.

Tôi không nhớ được hết những hộ dân thoát nghèo nhờ kết hợp trồng và cung cấp cây dược liệu cho mình, tuy nhiên nhờ có cây dược liệu mà đời sống của nhiều hộ dân khá giả hơn, họ có của ăn, của để, con cái được đến trường, mua xe, xây dựng nhà mới khang trang.

Tại cơ sở nhà mình có chị Nguyễn Thị Diện, trước khi đến làm với mình gia đình thuộc diện khó khăn, nhà trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột, trong khi cả hai vợ chồng đều là lao động tự do, nguồn thu bấp bênh, con nhỏ thì ốm đau thường xuyên khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Sau khi được nhận vào làm, tôi còn hỗ trợ phương tiện để Diện đi làm hàng ngày, giờ Diện đã có nguồn thu ổn định hàng tháng, trả được nợ, tích góp và đã xây dựng nhà mới khang trang. Nói chung vợ chồng Diện đã thoát khỏi cảnh nghèo khó.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

anh-2.jpg

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa nhiều cây dược liệu quý của người Tày vào chữa bệnh hiếm muộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO