Tăng sức bật từ dồn đổi ruộng đất

13/09/2018 15:16

(TN&MT) - Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011, xã Thanh Hà (Thanh Ba, Phú Thọ) đã có nhiều việc làm tích cực, trong đó, dồn đổi ruộng đất (DĐRĐ) thành công đúng tiến độ.

Anh don doi ruong dat
DĐRĐ đã giúp địa phương khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất

Thực tế những năm qua, khi nền nông nghiệp hàng hóa “gõ cửa” từng nhà, khắp nơi trong cả nước tập trung tích tụ đất đai để áp dụng cơ giới hóa, nâng cao giá trị sản xuất, ở nhiều nơi tư duy sản xuất tiểu nông, tự cung tự cấp vẫn còn ngự trị. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay thế mảnh ruộng nhỏ, hiệu quả canh tác thấp bằng cánh đồng mẫu lớn, trang trại có liên kết sản xuất sao cho hiệu quả là câu chuyện luôn mang tính thời sự. DĐRĐ thành công, hướng tới một nền nông nghiệp quy mô, hiện đại, bền vững thì việc “cởi trói” về tư duy cho người nông dân là quan trọng nhất, người dân phải thấy sự cần thiết để tham gia DĐRĐ như một quyền lợi và trách nhiệm. Thực hiện DĐRĐ cần dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bàn bạc dân chủ, thống nhất, công khai, nếu nông dân vẫn đứng ngoài, DĐRĐ không thể thành công. DĐRĐ là một chủ trương đúng, bên cạnh những kết quả bước đầu, vẫn còn khá nhiều hạn chế, vướng mắc mà nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa nhận thức đầy đủ, chưa nhiệt tình tham gia và nhiều lý do khách quan nên công cuộc DĐRĐ chưa đạt như mong muốn.

Riêng với Thanh Hà, việc dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp đã giúp địa phương khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư hệ thống giao thông, mương máng nội đồng, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thâm canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao trên một đơn vị diện tích, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Việc dồn đổi ruộng đất ở Thanh Hà được thực hiện ở từng khu dân cư. Khu vực đã dồn đổi đạt bình quân 3 thửa/hộ; diện tích mỗi thửa từ 1.080m2 trở lên; diện tích liền vùng trên 30ha. Đối với những khu có từ 5 đến 7 thửa/hộ, xã tiếp tục thực hiện dồn đổi để đạt bình quân 1 đến 2,5 thửa/hộ. Đối với những khu có hộ dân chỉ 1 khẩu thì diện tích 1 thửa đạt 300m2 trở lên. Về tích tụ, tập trung đất đai: xã khuyến khích người dân nhận chuyển nhượng, liên kết, góp vốn bằng đất, đấu thầu, đấu giá để hình thành các trang trại, gia trại trong các lĩnh vực trồng trọt; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... với quy mô 2ha/hộ trở lên, tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm theo chuỗi giá trị, chuyên canh sản xuất hàng hóa có diện tích lớn, nhằm giảm giá đầu tư, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Được biết, đến cuối năm 2017, xã đã dồn đổi được 151ha. Trong quá trình triển khai, do một số hộ gia đình chưa hiểu rõ lợi ích của việc dồn đổi nên xã cũng gặp phải một vài khó khăn. Tuy vậy, sau khi được tuyên truyền, vận động, các hộ dân, đồng thuận và đóng góp kinh phí toàn bộ để thực hiện. Vào ngày nghỉ, nếu có đơn thư từ người dân, cán bộ xã cũng đi làm để giải quyết dứt điểm. Nhờ dồn đổi ruộng đất thành công đã tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vụ chiêm xuân năm 2018, xã đạt năng suất cao với giống lúa J02 cho 17 tấn/ha và hiện xã đang bắt đầu xây dựng mô hình chuyên canh rau sạch nhà kính với diện tích 1ha.                     

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức bật từ dồn đổi ruộng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO