Xã hội

Thái Bình: Phát triển những cánh đồng mẫu lớn

PV 27/03/2024 - 16:50

Tích tụ ruộng đất ở Thái Bình đã mang lại hiệu quả rõ nét, tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Từ đó, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề quan trọng để Thái Bình thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thực hiện chủ trương chung của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng theo nhu cầu của thị trường...; có cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, các hình thức góp vốn trong sản xuất nông nghiệp, kể cả góp vốn bằng quyền sử dụng đất...

Sự ra đời của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX có ý nghĩa to lớn, đáp ứng đúng, trúng yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hóa đất; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể hóa chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, UBND cấp xã được hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, cứ mỗi héc-ta được 1 triệu đồng/năm; người cho thuê ruộng được hỗ trợ 20kg thóc/360m2/năm; tổ chức, cá nhân chủ trì liên kết hoặc nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất được hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện; mức hỗ trợ 1 triệu đồng/1ha... Đối với những chủ đại điền, tỉnh Thái Bình hỗ trợ 50% đơn giá mua máy cấy, máy sấy nhưng tối đa không quá 40 triệu đồng/máy cấy, không quá từ 40 triệu đồng tới 70 triệu đồng/máy sấy (tùy công suất)...

Tiếp đó, ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028. Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND với nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, thiết thực, có tính tổng thể, bao quát hầu hết các đối tượng được đánh giá là giải pháp đột phá đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất quy mô lớn. Nghị quyết 08 sẽ được thực hiện bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2024.

Theo đó, UBND cấp xã được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha; thôn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha để thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tích tụ, tập trung đất đai. Hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác để thực hiện tích tụ đất đai, được hỗ trợ một lần 2.800 đồng/m2.

1(2).jpg
Huyện Hưng Hà chú trọng phát triển sản xuất, khai thác lợi thế vùng đất bãi ven đê Trà Lý. (Ảnh: T.Đạt – H.Linh)

Hộ gia đình, cá nhân cho thuê quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, được hỗ trợ hằng năm bằng tiền tương đương với 15kg thóc/360m2/năm khi thời gian cho thuê, góp vốn ổn định từ 5 năm đến dưới 10 năm; được hỗ trợ hằng năm bằng tiền tương đương với 25kg thóc/360m2/năm khi thời gian cho thuê, góp vốn ổn định từ 10 năm trở lên. Hộ gia đình, cá nhân có đất tham gia liên kết sản xuất được hỗ trợ bằng tiền tương đương với 10kg thóc/360m2/năm...

Ngoài việc ban hành chính sách hỗ trợ người dân có quyền sử dụng đất, tại nghị quyết này, các đối tượng thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cũng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như: Hỗ trợ 1.000 đồng/m2 để cải tạo đất, cải tạo mặt bằng vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống đường giao thông trong vùng sản xuất, hỗ trợ 100% chi phí xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ 50% chi phí xây dựng nhà màng, nhà lưới...

Nhờ các chính sách này, đến nay, Thái Bình đã hình thành các mô hình tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản; tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tục, tập trung trên 8.000ha; bình quân 4,08 ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Qua rà soát, có trên 1.511 hộ tích tụ quy mô dưới 5 ha; 324 hộ tích tụ được từ 5 - 10ha và 133 hộ tích tụ được diện tích hơn 10ha. Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung.

Bên cạnh đó, về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay tỉnh đã cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất; xấp xỉ 100% khâu thu hoạch và khoảng 24% khâu cấy; trên 8.000ha diện tích được chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái. Kết quả này đã góp phần làm thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp của người nông dân từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, giải quyết khan hiếm lao động lúc mùa vụ, rút được phần lớn lao động nông thôn chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Phát triển những cánh đồng mẫu lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO