Tân Kỳ (Nghệ An): Mỏ đá Thung Mây vô tư tàn phá môi trường?

04/02/2018 20:12

(TN&MT) – Người dân xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp,  huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) đã phải chịu cảnh sống chung với những hệ lụy từ việc khai thác đá trắng tại mỏ Thung Mây của Công ty TNHH Hoàng Danh gây ra từ nhiều năm nay. Những “nạn nhân” của mỏ đá này bất bình kiến nghị nhiều lân, thậm chí kéo lên mỏ đá phản đối nhưng không có tác dụng.  

Công ty TNHH Hoàng Danh được cấp giấy phép khai thác đá tại mỏ Thung Mây ngày 20/02/2009. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp, kể từ khi mỏ đá Thung Mây đi vào hoạt động đã gây không ít bức xúc cho người dân.
 

Anh Trương Văn Hòa xót xa nhìn dòng khe dẫn nước đã bị “vôi hóa” vì bột đá
Anh Trương Văn Hòa xót xa nhìn dòng khe dẫn nước đã bị “vôi hóa” vì bột đá


Người dân xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp tỏ ra bức xúc vì tình trạng khai thác đá ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ. Dẫn chúng tôi vào tận các gian nhà, bà Lang Thị Thanh, tay chỉ những vết nứt trên tường nói với chúng tôi về việc mỏ đá Thung Mây nổ mìn làm đá bay vỡ ngói, nứt tường nhà. Bà kể lại: Mỏ đá hoạt động nhiều năm nay, nhiều bữa trưa nổ mìn làm rung nứt nhà của bà. Trong xóm của bà Thanh có 7 hộ cũng bị nứt nhà do nổ mìn. Tháng 3/2013, đá cục bay xuống vỡ cả ngói nhưng sau đó đơn vị khi thác đá chối bay trách nhiệm, nói không có cơ sở để đền bù?
 

Tổng thể mỏ đá Thung Mây nhìn từ xa
Tổng thể mỏ đá Thung Mây nhìn từ xa


Còn ông Lang Đình Nhâm là Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi của xóm Hồng Sơn khi gặp chúng tôi vừa bức xúc, vừa giãi bày về hiện trạng khai thác đá làm đảo lộn cuộc sống bình yên của đồng bào dân tộc Thổ nơi đây. Ông yêu cầu phải làm sạch môi trường, tránh tình trạng nổ mìn, xay đá gây tiếng ồn về đêm. Vừa chỉ tay lên núi Bồ Cau nơi mỏ đá đang khai thác, ông Lang Đình Nhâm vừa nói: Mìn nổ long óc không thể chịu nổi. Mỏ đá gần khu dân cư nên dân phải chịu đựng những tác động không đáng có, chưa kể nếu lũ ống, lũ quét tràn về không biết hậu quả sẽ ra sao. Dù công ty đã đắp kè chống đá trôi nhưng chỉ làm để đối phó không hiệu quả. Lâu ngày, doanh nghiệp lại cho chuyển vị trí đổ thải sang vị trí gần nhà dân hơn thì rất nguy hiểm.

Ông Nhâm cho biết thêm: Nhân dân cũng ý kiến, kiến nghị nhiều lần rồi nhưng doanh nghiệp vẫn chưa chịu khắc phục triệt để. 
Cánh đồng của xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp nằm sát dưới chân núi Bồ Cau, khu vực khai thác đá của mỏ Thung Mây được chắn bờ kè bằng đá hộc lắp ghép. Chúng tôi có cảm giác như những khối chất thải bột đá của mỏ như chực đổ ập xuống những đám ruộng nơi đây.

 

Khu đổ chất thải”khủng” của mỏ đá Thung Mây chực chờ đổ ập xuống đất canh tác của người dân
Khu đổ chất thải”khủng” của mỏ đá Thung Mây chực chờ đổ ập xuống đất canh tác của người dân


Những ngày đầu năm 2018, chúng tôi gặp những người trồng mía trên trên ruộng gần đó, tất cả mọi người đều bức xúc xen lẫn sự chán nản khi đồng ruộng của họ cứ trời mưa to là đá dăm, bột đá trên núi cứ trôi xuống.


Ông Trương Văn Đoàn, ở xóm Hồng Sơn đang trồng mía, bức xúc nói: Mìn nổ, từ lâu, đá của công ty khai thác trôi xuống, bồi lấp hết đồng ruộng của dân. Sau đó, ông Đoàn vác cuốc đưa chúng tôi đến những vạt ruộng đá dăm lổn nhổn đang nằm nổi trên mặt của đám ruộng bỏ hoang.
 

Không chỉ ông Trương Công Đoàn mà nhiều người trong xóm Hồng Sơn cũng rất bức xúc, anh Trương Công Hòa, ở xóm Hồng Sơn cũng lập tức dẫn phóng viên đi “mục sở thị” những khe suối trên đồng. Bị bồi lắng từ rất lâu, nên con khe chảy từ núi xuống đã bị “vôi hóa” vì đá bột. Anh Hòa bức xúc nói: “Nước mưa xuống cuốn theo bột đá bịt hết khe. Dân chúng tôi nấu nước, dưới nồi bị đóng một lớp trắng như vôi. Dân chúng tôi cũng kiến nghị rất gay gắt nhưng không biết giải quyết thế nào mà được một thời gian rồi thấy im luôn”.

Dòng chất thải từ mỏ khai thác đá đổ xuống lấp hẳn nguồn nước của đập. Đập Hồng Sơn chứa nguồn nước tưới cho 7ha đất nông nghiệp của vùng và là nguồn nước sinh hoạt cho bà con ở đây. Nhiều năm nay, hồ chứa nước của làng chỉ còn là bãi cỏ chăn thả trâu bò.

 

Anh Trương Văn Đoàn chỉ vùng đất canh tác có nhiều đá cục trôi từ mỏ đá Thung Mây xuống
Anh Trương Văn Đoàn chỉ vùng đất canh tác có nhiều đá cục trôi từ mỏ đá Thung Mây xuống

 

Đem những hệ lụy của việc khai thác đá người dân phản ánh, gặp ông Nguyễn Bá Mão – Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, ông Mão cho biết: Cử tri cũng có ý kiến, sắp tới Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cùng với huyện Tân Kỳ sẽ kiểm tra môi trường xung quanh mỏ. Mỏ Thung Mây không có nơi đổ chất thải nên dài ngày có nguy cơ lấn sang đất nông nghiệp của bà con, góp phần làm cạn hồ đập. Trước đây, thỉnh thoảng nổ mìn nhưng thời gian gần đây cũng giảm không nghe dân phản ánh. Còn về công tác, kiểm tra của chính quyền xã ông Mão cho biết, năm 2017, UBND xã chưa độc lập kiểm tra mỏ đá này một lần nào, chỉ phối hợp với huyện kiểm tra theo kiểu “đi theo” cấp trên. Cho đến nay, xã cũng chưa ra một văn bản nào liên quan đến việc làm ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp.
 

Khu mỏ khá sát với nhà dân xóm Hồng Sơn
Khu mỏ khá sát với nhà dân xóm Hồng Sơn


Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tân Kỳ, cho biết: Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh sẽ phối hợp với huyện Tân Kỳ làm việc với Công ty TNHH Hoàng Danh để kiểm tra lại những thông tin mà người dân phản ánh. Doanh nghiệp mà có những sai phạm trong bảo vệ môi trường huyện sẽ phối hợp với Sở để xử lý. Còn những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực môi trường thì yêu cầu doanh nghiệp phải khắc phục.
 

Sự việc mỏ đá của Công ty TNHH Hoàng Danh gây ô nhiễm môi trường cùng những hệ lụy khác ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân đã diễn ra từ nhiều năm nay. Người dân thì bức xúc, trong khi doanh nghiệp thì chỉ khắc phục theo kiểu đối phó, trong khi cơ quan chức năng lại xử lý thiếu quyết liệt đang trở thành vấn đề nan giải tại xã miền núi nghèo này.
 

Đề nghị Sở TN&MT; UBND tỉnh Nghệ An cần phải nhanh chóng tìm ra giải pháp hiệu quả để trả lại cuộc sống bình yên vốn có cho người dân nơi đây.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tân Kỳ (Nghệ An): Mỏ đá Thung Mây vô tư tàn phá môi trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO