Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp chiều 16/11 |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại hội nghị COP26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết hành động mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế, trong đó Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu như Liên minh hành động thích ứng; cam kết giảm phát thải mê-tan; tuyên bố chính trị về rừng và sử dụng đất…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cam kết chính trị và quyết tâm hành động của Việt Nam tại Hội nghị đã được Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực đánh giá cao tại trên 20 cuộc tiếp xúc song phương của Thủ tướng Chính phủ. Các nhà lãnh đạo các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada, Uỷ ban châu Âu, Đức, Hàn Quốc, Thuỵ Điển… tin tưởng rằng quyết tâm hành động của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới, to lớn hơn trong các lĩnh vực kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh các nước có sự quan tâm rất cao đối với biến đổi khí hậu, thay đổi mạnh mẽ về hướng phát triển, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp. Bên cạnh các ngân hàng phát triển đa phương, các ngân hàng quốc tế như Standard Chartered cũng có những cam kết mạnh mẽ với 8 tỷ USD dành cho phát triển bền vững trong khi các tập đoàn lớn sẵn sàng và mong muốn tham gia vào các dự án năng lượng gió, công nghệ xanh hiện đại như năng lượng hydro-rô tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, với những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 cũng như những ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn trên thế giới về chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần phải chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng cho mục tiêu tận dụng các cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; Đón đầu sự dịch chuyển các dòng đầu tư, tín dụng của các tổ chức tín dụng, tài chính trên thế giới; tận dụng các cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ phát thải các-bon thấp, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hoá thạch, khơi thông tiềm năng về năng lượng tái tạo trong đó phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Ngoài ra có thể bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nâng sức chống chịu của hạ tầng cơ sở, thích ứng với biến đổi khí hậu... Do đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị đóng góp ý kiến để xây dựng và trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề án định hướng chiến lược thực hiện mục tiêu trung hoà các-bon.
Tại cuộc họp, các đơn vị tham gia thảo luận, đóng góp các ý kiến xây dựng nội dung trên quan điểm cách tiếp cận ứng phó với biến đổi khí hậu phải mang tính toàn diện, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể thực hiện các giải pháp thích ứng, đảm bảo sinh kế cho các cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu; Nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế trước những thay đổi về các chính sách trong các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu; phát triển hài hoà giữa các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, khí hậu; thúc đẩy hợp tác quốc tế, huy động hiệu quả nguồn lực từ các cơ chế hợp tác song phương và đa phương…
Trên cơ sở những nội dung đóng góp ý kiến từ các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị triển khai công việc để đề án được hoàn thành sớm, cụ thể hoá những cam kết của Thủ tướng tại hội nghị COP26 cũng như thực hiệu chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.