Xã hội

Sức sống mãnh liệt ở Trà Leng

Võ Hà 04/05/2023 - 14:00

Gần 3 năm sau thảm hoạ sạt lở núi tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi có dịp trở lại với nơi này và hết sức ngỡ ngàng trước sức sống mãnh liệt của người dân. Trà Leng giờ đây đã được khoác chiếc áo mới tươi sáng với những nụ cười và màu xanh ngút ngàn của cây cối, ruộng lúa…

Đổi thay vùng sạt lở

Giữa những ngày tháng 4, chúng tôi trở lại với bà con ở Khu dân cư (KDC) Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Không còn không khí tang thương, đau buồn nữa, cuộc sống nơi đây đã thực sự hồi sinh trên mảnh đất này với 39 căn nhà sàn bê tông cấp 4, mái lợp tôn màu đỏ nằm sát với nhau thành một dãy dài và các công trình Trường học mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khang trang giữa núi non trùng điệp. Xa xa, trên từng quả đồi, những ruộng lúa bậc thang, đồi sắn, vườn chuối xanh mướt vươn mình đón ánh nắng ban mai.

Khung cảnh ấy khiến nhiều người vẫn nghĩ nơi đây thực sự yên bình như chưa hề có trận sạt lở đất đá kinh hoàng vào tháng 10/2020, khiến hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, cướp đi sinh mạng của 9 người, 13 người đến nay vẫn còn mất tích.

tra-leng-1.jpg
Một góc khu dân cư Bằng La

Ngồi trong căn nhà mới còn mùi vôi vữa, chị Hồ Thị Nở, ở KDC Bằng La phấn khởi cho biết, cuộc sống mới khiến chị vơi đi phần nào nỗi đau mất người thân. “Từ khi được các cấp chính quyền, nhà hảo tâm giúp đỡ bố trí chỗ ở mới đã giúp gia đình tôi yên tâm hơn mỗi khi vào mùa mưa bão, đồng thời, đường xá, điện đường được đầu tư xây dựng nên việc đi lại của nhân dân thuận lợi. Đặc biệt Trường học mẫu giáo, trạm y tế được đầu tư xây dựng, do đó việc học hành của con em tốt hơn so với hồi trước và người dân đau ốm được các y tá xã khám chữa bệnh kịp thời” – chị Nở chia sẻ.

Có thể nói, với tình yêu thương, đùm bọc của toàn xã hội, người dân Trà Leng đã thực sự gượng dậy vượt qua để xây dựng cuộc sống mới ở KDC Bằng La. Khuôn mặt nở đã có lại nụ cười, chị Hồ Thị Mai, ở KDC Bằng La kể lại: “Ngôi nhà gỗ cấp 4 cùng nhiều tài sản của vợ chồng tôi đã bị lũ quét cuốn trôi mất hết vào cuối tháng 10/2020 khiến tôi lâm vào tình cảnh trắng tay. Rất may lúc lũ quét qua thì mọi người trong nhà chạy thoát ra ngoài được nên giữ được tính mạng. Giờ đây được chính quyền địa phương bố trí về nơi ở mới tôi rất yên tâm”

Có lẽ với người dân Trà Leng, vết thương trong lòng vẫn còn nhưng họ phải cố gắng vượt qua nỗi đau để sản xuất ổn định kinh tế. Đất đai vùng rừng núi huyện Nam Trà My phù hợp cây quế, loài cây cho giá trị tương đối cao. Hiện nay dọc các triền đồi núi ở xã Trà Leng đã được người dân trồng cây keo, cây quế;… đã tạo một màu xanh của núi rừng, bên cạnh đó nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn mua cây giống như: cây măng cụt, cây quế, cây sầu riêng đem về trồng ở nương rẫy của gia đình họ và nhiều người bỏ tiền ra mua bò, dê, heo về chăn nuôi để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Chị Hồ Thị Tiên ở KDC chia sẻ: “Giờ đây cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định, vợ chồng tôi cũng trồng được vài sào cây quế, cây cau ở đồi núi, dự kiến vài năm nữa  khi thu hoạch thì có nguồn thu nhập khá cho gia đình.”

Chúng tôi tin rằng, với ý chí của bà con chỉ một vài năm nữa thôi, khi vào vụ thu hoạch, chắc chắn kinh tế của bà con ở Trà Leng sẽ ổn định hơn rất nhiều.

tra-leng-2.jpg
Người dân ở Bằng La trồng cây quế, cây dổi rừng, cây cau và các loại cây ăn quả vừa để giữ đất, giữ rừng và góp phần cải thiện đời sống.

Đồi nương phủ xanh màu no ấm 

Sau biến cố thiên tai, tinh thần tương thân tương ái lan tỏa, sự đoàn kết và chia sẻ của xã hội đã mở ra hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp cho người dân Trà Leng.

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, xã Trà Leng cách trung tâm huyện 34km về phía bắc, là xã có diện tích tự nhiên lớn nhất huyện với 11.653,9ha, xã có 632 hộ, 2.898 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mơ Nông chiếm tỷ lệ 98%. Toàn xã có 3 thôn với 13 KDC. Người dân chủ yếu làm nương rẫy, làm ruộng, trồng quế. Để hỗ trợ bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống, chính quyền đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ người dân.

Dưới cái nắng oi ả của những ngày đầu hè nơi miền núi, anh Cao Tuấn Kiệt, KDC Bằng La đang tất bật chở cây giống lên nương rẫy cho người dân. Theo anh Kiệt, bà con ở đây đang dần khôi phục diện tích nương rẫy bị đất đá bồi lấp để trồng lúa, trồng keo và đặc biệt là quế - loài cây thoát nghèo của người dân nơi đây. Rất nhiều bà con có thể mua cây giống tại chỗ, với giá thành thấp như: cây quế có giá 3.000 đồng/cây, cây cau hơn 5.000 đồng/cây;…

“Hằng tháng tôi được ông chủ trả tiền công 3,5 triệu đồng, công việc ươm cây giống ở đây rất thuận lợi, vì phù hợp với khí hậu, đất đai ở đây. Hồi xưa người dân ở đây muốn mua cây giống phải đi hơn 16km mới mua được, giờ chỉ mất vài phút bà con mua cây giống đem về trồng”, anh Kiệt chia sẻ.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hiện giờ cuộc sống của người dân vùng sạt lở Trà Leng được bố trí tại KDC Bằng La đã ổn định. Ngoài ra cơ sở hạ tầng nơi đây được xây dựng khang trang để phục vụ sinh hoạt của người dân nơi đây. Còn tuyến đường ĐH1 từ Trà Dơn vào Trà Leng hiện nay đang thi công để bà con đi lại thuận lợi, nguồn từ UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

tra-leng-3.jpg
Nụ cười đã trở lại với người dân Trà Leng

“UBND huyện phối hợp với chính quyền xã Trà Leng tổ chức tuyên truyền tập huấn cho bà con cách chăm sóc và bảo vệ các loại cây trồng và tiếp tục phát triển trồng cây quế, cây dổi rừng, cây cau và các loại cây ăn quả. Qua đó phủ xanh rừng và góp phần cải thiện đời sống, nâng cao kinh tế cho người dân”, ông Trần Duy Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mãnh liệt ở Trà Leng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO