“Sốt ruột” giải bài toán bảo tồn voi

15/10/2013 00:00

(TN&MT) - Theo thời gian, đàn voi rừng cũng như voi nhà đang suy giảm một cách nhanh chóng đặt ra bài toán nan giải cho các nhà chức năng.

   
(TN&MT) - Đắk Lắk vốn nổi tiếng với hình ảnh những đàn voi đông đúc lên đến hàng trăm con. Thế nhưng, theo thời gian, đàn voi rừng cũng như voi nhà đang suy giảm một cách nhanh chóng đặt ra bài toán nan giải cho các nhà chức năng.
   
Số lượng voi nhà ngày càng giảm sút
   
  Voi được xem là biểu tượng  gắn liền với đời sống kinh tế xã hội, văn hoá và tinh thần của người dân Đắk Lắk. Tuy nhiên, hiện nay khi đời sống xã hội ngày một phát triển thì môi trường sống của voi ngày càng bị thu hẹp, cộng với quá trình săn bắn voi trái phép để lấy ngà khiến nguy cơ tuyệt chủng voi rừng và voi nhà ngày càng cao. Theo Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh, hiện đàn voi nhà của tỉnh chỉ còn 53 con, trong số đó voi từ 15-45 tuổi còn sức khỏe tốt để sinh sản chỉ 43 con (19 con đực và 24 con cái), số còn lại là voi đã lớn tuổi và già yếu. Qua nghiên cứu, đánh giá tình trạng sức khỏe thực tế cho thấy, trong 30 năm trở lại đây khả năng sinh sản của voi nhà là có nhưng tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 0,6%/năm.
   
  Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ này gần như bằng 0 vì môi trường cho việc gặp gỡ và giao phối giữa voi đực và voi cái bị hạn chế. Do voi nhà ở xa rừng, chủ yếu sử dụng cho mục đích du lịch nên người dân ít có thời gian thả voi vào rừng để tìm kiếm thức ăn tự nhiên (một con voi mỗi ngày cần khoảng 3 tạ cỏ và hàng trăm lít nước). Lượng thức ăn thiếu, nghèo nàn khiến cho tình trạng sức khỏe và tuổi thọ voi giảm sút. Ngoài ra, môi trường để voi giao phối cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của voi. Voi cũng cần có một môi trường thích hợp để “tìm hiểu” và việc giao phối cũng phải diễn ra trong điều kiện môi trường khá kín đáo. Việc quản lý voi theo hộ cá thể và theo cách của các công ty du lịch như hiện nay đã làm trở ngại cho việc sinh sản của đàn voi nhà. Và với tốc độ voi chết như những năm gần đây thì chỉ mười năm nữa, nguy cơ đàn voi nhà ở Đắk Lắk bị xóa sổ là điều không tránh khỏi.
   
Nài voi đang chăm sóc voi
    
   
  Đáng lo ngại hơn trong vài năm trở lại đây, số lượng voi rừng cũng sụt giảm một cách nhanh chóng. Năm 1980, voi rừng có trên 550 con thì hiện nay toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5 đàn, với số lượng 60-65 cá thể, và từ năm 2009 đến nay đã có 17 con voi rừng bị chết. 3 huyện Buôn Đôn, Ea Soup, Ea H’leo là địa bàn có voi rừng tập trung sinh sống. Thế nhưng, do người dân lấn chiếm, phá rừng để lấy đất canh tác đã làm thu hẹp môi trường sống của voi rừng. Chỉ từ năm 2005 đến 2012, diện tích rừng tự nhiên của 3 huyện đã giảm gần 14.000 ha khiến nguồn thức ăn tự nhiên dần khan hiếm. Hiện tượng voi rừng xuất hiện tìm kiếm thức ăn tại nương rẫy, tàn phá hoa màu và xung đột giữa người và voi trở nên phổ biến hơn. Ngoài ra, công tác chăm sóc voi cũng gặp nhiều khó khăn. Voi thường gặp nhiều loại bệnh khác nhau, việc chữa trị chủ yếu là dựa vào cây thuốc tự  nhiên. Một số chủ voi có dùng thuốc tây, nhưng liều lượng ước chừng, chưa có bác sĩ chuyên khoa để trợ giúp. Vì vậy, khi voi mắc bệnh để tìm ra nguyên nhân và chữa trị là điều không dễ dàng.
   
  Thực tiễn cho thấy, việc đưa ra các chính sách, biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng voi cần được các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời và tích cực, nhất là trong bối cảnh nguy cơ tuyệt chủng voi đang gần kề để hình tượng đặc trưng của người dân Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung được bảo tồn và phát triển.
   
                                                                       Bài & ảnh: Tuệ Minh
   
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Sốt ruột” giải bài toán bảo tồn voi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO