"Sốt đất vàng" khi di dời, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

19/03/2015 00:00

(TN&MT) - Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế bằng giải pháp cổ phần hóa triệt để các doanh nghiệp Nhà nước, cộng với việc Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lộ trình di dời một số đơn vị sản xuất, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô TP Hà Nội, đã  tạo cơn “sóng ngầm” bắt đầu cho việc tranh giành “đất vàng” tại Thủ đô…

Di dời cơ sở sản xuất, “đất vàng” về tay ai?

Theo Quyết định số 130/QĐ - TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi áp dụng đối với các cơ sở phải di dời tại tất cả 11 quận nội thành. Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm, lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường…

Với quyết định này, không ít nhà đầu tư bất động sản lên kế hoạch để thâu tóm mảnh đất vàng của hàng loạt các doanh nghiệp có tên trong danh sách cần di dời. Quyết định số 64/2003/QĐ – TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các đơn vị phải di dời khỏi nội đô Hà Nội trước năm 2012 gồm: Công ty Dệt kim Đông Xuân (số 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng); Công ty Rượu Hà Nội (số 94 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng); Các đơn vị phải nâng cấp hệ thống xử lý nước thải gồm: Công ty Bia Hà Nội (số 70A, Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình); Công ty Dệt 8/3 (số 460 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); Công ty Dệt Hà Nội I (phường Mai Động, quận Hai Bà Trưng) và một loạt các bệnh viện lớn phải cải tạo, nâng cấp.

Công ty Rượu Hà Nội (số 94 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng). Ảnh: t.s
Công ty Rượu Hà Nội (số 94 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng). Ảnh: t.s

Song trên thực tế, chỉ có 2 trong số các đơn vị phải di dời khỏi Hà Nội trước năm 2012 là chủ động thực hiện di dời trong thời gian này là Công ty Dệt kim Đông Xuân và Nhà máy Bánh kẹo Tràng An khi cả 2 khu đất của họ sau khi di dời đều được sử dụng làm dự án nhà ở. Còn Công ty Rượu Hà Nội sau nhiều năm vẫn chưa ngã ngũ bởi những vướng mắc trong phương án xử lý các khu “đất vàng” này.

Đến nay, danh sách chính thức các cơ sở phải di dời theo Quyết định số 130/QĐ - TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được đưa ra, song rõ ràng, chỉ khi nào các cơ sở này giải quyết “êm xuôi” mảnh đất vàng mà họ đang nắm giữ thì công cuộc di dời mới thực sự hoàn thành. Việc này có thể liên hệ trường hợp gần đây nhất là Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội - đơn vị sở hữu Nhà máy Dệt Minh Khai vừa bán hết veo 1,6 triệu cổ phần với mức giá hơn 70.000 đồng/cổ phần trong phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng ngày 23/1/2015. Kết quả đấu giá cổ phiếu đó không bất ngờ, bởi theo giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa, giá trị của Dệt Minh Khai tại thời điểm 31/12/2013 là hơn 59 tỷ đồng, nhưng Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội đang sở hữu khu đất rộng 3,8 ha của Nhà máy Dệt Minh Khai tại số 423 đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng).

Cổ phiếu tăng cho dù doanh nghiệp lỗ

Cũng nằm trong “cơn sốt” thâu tóm đất vàng Thủ đô là kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bởi đây là đối tượng đang nắm giữ rất nhiều mảnh đất đẹp nằm tại trung tâm Hà Nội. Trong tháng 3 này, phiên đấu giá được nhiều nhà đầu tư quan tâm là phiên IPO của Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) diễn ra ngày 20/3. Theo kế hoạch sau cổ phần hóa, Nhà nước sẽ giữ nguyên phần vốn hiện tại (166,6 tỷ đồng, tương đương 10% vốn điều lệ sau cổ phần hóa) và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong cơ cấu vốn sau cổ phần hóa, chỉ có 16,26 triệu cổ phiếu (tương đương 9,76% vốn điều lệ sau cổ phần hóa) được đem đấu giá với giá khởi điểm 10.050 đồng/cổ phiếu. 80% phần vốn còn lại (tương đương 1.332,83 tỷ đồng) được bán cho nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Vingroup.

Trước đó, năm 2014, Vingroup cũng trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khi nắm giữ 10% vốn điều lệ của Vinatex. Ngoài ra, một ông lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân phối, phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam cũng trở thành cổ đông lớn của Vinatex khi nắm giữ 14% vốn điều lệ là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID).

Tính tới thời điểm trước cổ phần hóa, Vinatex cùng các công ty thành viên được giao quản lý và sử dụng trên 490.000 m2 đất phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, gồm nhiều mảnh đất nằm ở vị trí đắc địa trong nội thành Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác như Nam Định, Hải Phòng, Bình Dương…

Một doanh nghiệp khác cũng có đại bản doanh tọa lạc trên khu đất vàng cũng được giới đầu tư chứng khoán quan tâm gần đây là Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội (XPH - UPCoM). Phiên đấu giá 80% vốn điều lệ của XPH do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu diễn ra ngày 17/3 đã bán toàn bộ 10,38 triệu cổ phiếu cho một nhà đầu tư duy nhất trong nước với giá thấp nhất là 18.000 đồng/cổ phiếu.

XPH hiện đang kinh doanh các hóa chất cơ bản và sản xuất gia công chất tẩy rửa dạng lỏng, xà phòng thơm cho Unilever Việt Nam. Nhưng từ năm 2013 đến nay, tình hình kinh doanh của XPH có dấu hiệu đi xuống. Cụ thể, năm 2013, doanh thu thuần của XPH đạt 217,13 tỷ đồng; lỗ sau thuế 2,36 tỷ đồng. Ba quý đầu năm 2014, XPH tiếp tục ghi nhận lỗ 4,46 tỷ đồng, vượt cả lỗ lũy kế năm 2013.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, bất chấp tình hình kinh doanh không mấy khả quan, việc Vinachem tự tin chào bán phần vốn XPH với giá cao là do XPH hiện đang nắm giữ quyền sử dụng 32.000 m2 đất tại địa chỉ 233B - Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội.

Ai sẽ có “đất vàng”? Đã có những cái tên “ông lớn” trong ngành BĐS được biết đến, song còn không ít những nhà đầu tư “đứng trong bóng tối để tìm cơ hội thâu tóm những mảnh đất đắc địa.

Minh Vũ

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Sốt đất vàng" khi di dời, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO