Kiên định con đường phát triển phát thải thấp
Báo cáo mới nhất của Ban liên Chính phủ về BĐKH (IPCC-AR6) năm 2022 đã cảnh báo, nhiệt độ trung bình toàn cầu đang trên đà vượt qua giới hạn nóng lên 1,50C (được đưa ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu) và có thể tăng tới 3,20C vào cuối thế kỷ này, khiến nhân loại phải đối mặt với nhiều nguy cơ thảm họa. Nguyên nhân là do phát thải khí nhà kính toàn cầu - yếu tố làm tăng nhiệt độ Trái đất - vẫn chưa thể giảm đủ lượng cần thiết. Theo IPCC, để giữ nhiệt độ nóng lên trong khoảng 1,50C đòi hỏi phải cắt giảm gần một nửa lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây chính là xuất phát điểm của Cam kết Net Zero - Phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã được 148 quốc gia ủng hộ tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc (COP26).
Trong bối cảnh đó, phát triển phát thải thấp, thích ứng với BĐKH cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất đã trở thành lựa chọn phát triển của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời, tận dụng cơ hội đưa đất nước ta phát triển theo con đường “xanh”, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là xu thế phát triển phù hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới.
Định hướng này đã được lồng ghép trong Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050. Điểm mới so với Chiến lược giai đoạn trước, đó là Chính phủ đã gắn trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính đến 2050. Chiến lược cũng đề ra mục tiêu bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia giảm tới 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) đến năm 2030 - tăng hơn nhiều so với mức giảm cao nhất 27% mà Việt Nam tuyên bố trước đây nhằm thực thi Thỏa thuận Paris.
Theo đúng lộ trình, dự kiến, lượng phát thải toàn quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh và bảo đảm đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam trong điều kiện tiếp tục phải duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, trong khi trình độ công nghệ sản xuất còn thấp, mức tiêu hao năng lượng và tài nguyên còn lớn. Thực tế hiện nay, người dân vẫn chưa nhận rõ được mối liên hệ giữa mục tiêu tăng trưởng xanh đầy tham vọng của Chính phủ với đời sống sản xuất, kinh doanh “sát sườn” của mình.
Để những chính sách mang tầm vĩ mô có thể “thẩm thấu” một cách nhanh nhất, giai đoạn từ nay đến 2030, đòi hỏi các ban, bộ, ngành và các địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất, chung tay tháo gỡ ngay các nút thắt trong cơ chế, tạo mọi thuận lợi cho quá trình biến cam kết Net Zero trở thành hành động cụ thể để mỗi người dân và toàn xã hội cùng thực hiện. Đây là cơ sở để khai thông nguồn lực xã hội cùng đóng góp cho mục tiêu chung về dài hạn.
Chuyển dịch năng lượng theo kịp nhịp độ phát triển
Quá trình phát thải ròng về “0” sẽ thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang phát triển ít phát thải và có sức chống chịu cao trước tác động của BĐKH. Theo Bộ Công Thương, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã cập nhật các cam kết của Việt Nam tại COP26 theo hướng giảm dần phụ thuộc nhiệt điện than, dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Nhờ đó, lượng phát thải CO2 của phương án phát triển điện lực rà soát sau Hội nghị COP26 đã giảm mạnh. Cụ thể, phát thải CO2 sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn 2031 - 2035 ở mức 231 triệu tấn, sau đó giảm dần. Đến năm 2050 chỉ còn khoảng 40 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng “0”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện nay, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới. Theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng và quyết tâm thực hiện theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Mặc dù vậy, lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam phải ưu tiên cao nhất cho an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân với giá cả phải chăng, đồng thời giảm thiểu tác động đến các nhóm/đối tượng trong xã hội.
Một trong những nhiệm vụ cần thực hiện ngay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung phát triển nền công nghiệp về chuyển đổi năng lượng, nghiên cứu công nghệ chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy sản xuất các thiết bị trong nước… Đây là "một mũi tên trúng hai đích", khi vừa thực hiện được các cam kết quốc tế, vừa phát triển được năng lực, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp có thị trường rất lớn trong và ngoài nước này. Đặc biệt, cần lưu ý đến công nghệ sản xuất điện năng quy mô lớn từ tất cả các nguồn năng ượng sơ cấp mới như Hydro, ammoniac, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ hấp thụ và lưu trữ CO2… Đồng thời, nâng cao nhận thức về tính cấp bách của việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, bắt đầu trước hết từ những ngành sử dụng nhiều năng lượng.
Là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ BĐKH và nước biển dâng, đối với Việt Nam, chuyển dịch năng lượng vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trong cuộc chiến chống BĐKH. Đây cũng là hướng đi để xây dựng một ngành năng lượng có tính tự chủ cao, ít phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu trên cơ sở tận dụng tối đa thế mạnh, tiềm năng năng lượng tái tạo sẵn có của đất nước.
Các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia:
- Thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương (tđ) trở lên từ năm 2022; 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050.
- Xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở từ năm 2026; xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến, hệ số phát thải đặc trưng quốc gia; xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm 30% khí mê tan, lộ trình phát thải ròng về “0”, loại trừ chất gây thủng tầng ô-dôn.
- Chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050 cũng đã chỉ ra cụ thể 42 biện pháp giảm phát thải áp dụng cho lĩnh vực năng lượng; 21 biện pháp lĩnh vực nông nghiệp; 7 biện pháp lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất; 7 biện pháp lĩnh vực chất thải và 10 biện pháp lĩnh vực các quá trình công nghiệp.