Từ đêm ngày 20/2 đến ngày 21/2, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, tỉnh Sơn La trời rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất 5-10 độ, Mộc Châu 2,7 độ. Đặc biệt là tại các xã vùng cao như Háng Đồng, Tà Xùa, Hang Chú (huyện Bắc Yên), thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu, xã Phiêng Luông (huyện Mộc Châu), xã Co Mạ, Pá Lông, Co Tòng, Long Hẹ, Mường Bám (huyện Thuận Châu), xã Ngọc Chiến, Chiềng Công, Nậm Giôn (huyện Mường La)... nhiệt độ giảm mạnh, chỉ từ 1 - 6 độ C, trời rét đậm, rét hại, sương mù dày đặc kèm mưa lớn kéo dài.
Rét đậm rét hại đã gây thiệt hại 393 con gia súc, chủ yếu là trâu, bò; 65kg cá; 0,21ha mạ; cùng một số cây tếch, xoài, cà phê, chuối. Một số địa phương thiệt hại nặng gồm Bắc Yên hơn 3 tỷ đồng, Vân Hồ hơn 1 tỷ đồng, Mộc Châu hơn 800 triệu đồng, Phù Yên hơn 600 triệu đồng…
Ngay sau khi ghi nhận tình hình thiệt hại, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND các huyện cũng đã thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở, phối hợp với các xã chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nhân dân đưa gia súc về chuồng, che chắn kín gió, bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn tinh, làm khô ráo nền chuồng…; che chắn cho cây trồng.
Trước đó, để ứng phó với rét đậm, rét hại, từ ngày 17/2, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có công văn gửi các huyện, thành phố để triển khai các giải pháp phòng chống thiệt hại.
Các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét. Triển khai phương án di chuyển đàn gia súc chăn thả tự do đưa về nhốt chuồng khi nhiệt độ ngoài trời giảm xuống dưới 10 độ C; hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản.
Cắm biển cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra sương mù, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Giao Trung tâm dịch vụ nông nghiệp chủ trì phối hợp với UBND các xã, phường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp che, phủ, ủ ấm đối với cây cối, rau màu; chủ động thiết bị, vật tư, giống cây trồng, thuốc phòng, chống dịch bệnh... để ứng phó với đợt rét.
Thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của rét đậm, rét hại, kịp thời phát các bản tin dự báo, cảnh báo; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng tránh rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản để người dân biết và áp dụng.