Trong giai đoạn 2010-2017, tỉnh Sơn La đã cấp 37 giấy phép thăm dò khoáng sản làm VLXD thông thường cho các doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 89ha, gồm: 29 giấy phép thăm dò đá xây dựng, 3 giấy phép thăm dò sét gạch ngói, 5 giấy phép thăm dò cát xây dựng. Đã cấp 21 giấy phép khai thác đá xây dựng với tổng diện tích hơn 40 ha, tổng công suất hơn 1 triệu m3/năm, trong đó, 6 giấy phép đang xây dựng cơ bản mỏ, 15 mỏ đang tiến hành khai thác.
Phương án quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường đến năm 2020, gồm 4 loại: Đá xây dựng, cát xây dựng, sét gạch ngói, đất san lấp. Cụ thể, quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường đến năm 2020 có 108 điểm mỏ, với tài nguyên thăm dò khai thác là 8,141 triệu m3, gồm 44 điểm mỏ đá xây dựng; 53 điểm cát xây dựng; 10 điểm sét gạch ngói, 1 điểm đất san lấp.
Đồng thời, tỉnh Sơn La cũng đưa 45 điểm mỏ thuộc quy hoạch từ năm 2010 ra khỏi quy hoạch kỳ này, gồm 39 điểm mỏ đá xây dựng và 6 điểm mỏ sét gạch, ngói. Định hướng trong giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở các điểm mỏ quy hoạch đến năm 2020, tiếp tục tổ chức khai thác tài nguyên dự trữ khoảng 22,66 triệu m3.
Việc điều chỉnh quy hoạch cho thấy, hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường tỉnh Sơn La mang tính liên tục, lâu dài về thời gian, gia tăng về số lượng. Do đó, có 4 vấn đề môi trường chính cần được xem xét trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, gồm: Suy thoái tài nguyên không tái tạo; ô nhiễm không khí do bụi, khói độc; suy giảm sức khỏe và an toàn lao động; suy giảm chất lượng đất, nước.
Để giảm tác động tới môi trường, HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện trình tự thẩm định, phê duyệt Báo cáo kết quả thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo đúng quy định. Kiểm tra định kỳ các cơ sở khai thác khoáng sản làm VLXD thực hiện các nội dung trong cam kết bảo vệ môi trường và báo cáo ĐTM của dự án. Tăng cường phối hợp giữa các ngành có liên quan với chính quyền các cấp ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xây dựng cơ chế phối hợp quản lý khoáng sản giữa các địa phương khu vực giáp ranh 2 hay nhiều tỉnh.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường, về mặt tổ chức phải thành lập Ban an toàn và môi trường. Đồng thời, cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức của người lao động về lợi ích của việc bảo vệ môi trường chung. Đào tạo để nâng cao hiểu biết và kỹ năng phòng chống ô nhiễm cho công nhân vận hành thiết bị công nghệ theo đúng quy trình.
Trong quá trình triển khai quy hoạch, cần thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường ngay từ hoạt động thăm dò như thi công, lấy mẫu, thu thập tài liệu xong tất cả công trình đều được san lấp, hoàn thổ cẩn thận, san lấp lỗ khoan theo quy định… Quá trình khai thác, chủ yếu là khai thác lộ thiên, do đó cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ theo quy định hiện hành, có sự phối hợp kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương.
Trong chế biến khoáng sản, các trạm nghiền đá xây dựng phải được đầu tư công nghệ chế biến đá tiên tiến, đảm bảo khoảng cách an toàn và môi trường theo quy định với khu mỏ. Có thể tiến hành phun nước định kỳ, xây dựng hệ thống thu gom nước tại các khu vực chế biến và vận chuyển đá, trồng cây xanh xung quanh nhà máy ngăn chặn lượng bụi phát tán đi xa.
Định kỳ 3-6 tháng hoặc tùy tính chất, mức độ khai thác tại các điểm mỏ phải quan trắc, lấy mẫu nước, không khí tại nơi khai thác khoáng sản 1 lần. Trong hoạt động khai thác phải sử dụng tiết kiệm quỹ đất, tài nguyên bằng cách khai thác gọn từng lô nhỏ, khai thác đến đâu sạch đến đó, không đổ đất đá thải bừa bãi quanh khai trường. Áp dụng công nghệ nổ mìn mới như dùng thuốc nổ nhũ tương, anfo thay thế thuốc nổ TNT, Ammonit…