Sơn La: Quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, thích ứng biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), những năm qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh triển khai trồng, phục hồi rừng, gắn với tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, cải thiện sinh kế của người dân sống nhờ vào rừng.
Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La.
PV: Xin ông cho biết công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh để triển khai có hiệu quả công tác trồng, phục hồi rừng những năm qua?
Ông Nguyễn Huy Tuấn:
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các phòng chuyên môn chủ động tham mưu giúp Sở NN&PTNT; UBND tỉnh ban hành các Quyết định triển khai thực hiện trồng rừng hàng năm; chỉ đạo các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động vận dụng, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác trồng rừng tập trung và thực hiện Đề án ‘‘Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025’’ của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, tỉnh Sơn La đã giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể đến từng huyện, thành phố. Ngay sau khi có kế hoạch, ngành NN&PTNT đã phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các đơn vị, dự án cơ sở thực hiện tốt việc chuẩn bị giống ngay trong Quý IV năm trước đó.
PV: Ông có thể thông tin một số kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh? Qua đó, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống nhờ rừng như thế nào?
Ông Nguyễn Huy Tuấn:
Từ đầu năm 2022, nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, giảm thiểu số vụ vi phạm xuống 10% theo tiêu chí của Chi cục Kiểm lâm xây dựng, Chi cục đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tham mưu Sở NN&PTN, UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phối hợp thực hiện các nhiệm vụ về quản lý rừng, đất lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), đấu tranh phòng chống vi phạm Luật Lâm nghiệp, công tác phát triển rừng, khai thác sử dụng rừng.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm hay phát phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái pháp luật, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trong những ngày nắng nóng, khô, hanh kéo dài. Đẩy mạnh tuyên truyền quy định về quản lý bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR.
Đặc biệt, nhằm tạo việc làm, thêm thu nhập cho người trồng rừng, tỉnh đã tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư như: Chính sách bảo đảm cho đồng bào DTTS, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng; Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020; Chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích với các công ty nông, lâm, nghiệp...
Chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, các loài cây đa mục tiêu như: Sa nhân, sơn tra, mắc ca.... Đẩy mạnh khoanh nuôi, phục hồi, trồng rừng, giúp tăng độ che phủ rừng qua các năm, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho nhân dân.
Năm 2022, toàn tỉnh Sơn La đã trồng mới hơn 4.700ha rừng tập trung và hơn 2,6 triệu cây phân tán. Năm 2023, phấn đấu trồng mới 2.030 ha rừng, gồm 530ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 1.500ha rừng sản xuất.
PV: Thông qua công tác trồng, bảo vệ rừng, ông đánh giá đã góp phần như thế nào để bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng BĐKH?
Ông Nguyễn Huy Tuấn:
Là tỉnh có diện tích rừng, đất lâm nghiệp lớn đứng thứ 3 toàn quốc, rừng trên địa bàn tỉnh có vai trò rất quan trọng trong việc chống rửa trôi, xói mòn, điều hòa nguồn sinh thủy, cung cấp nguồn nước cho đồng bằng Bắc Bộ, các công trình thủy điện quốc gia trên sông Đà, sông Mã.
Đẩy mạnh công tác trồng rừng đã từng bước nâng cao chất lượng, tăng độ che phủ rừng, duy trì nguồn sinh thủy ổn định và nâng cao đời sống nhân dân lưu vực các thủy điện, bảo vệ môi trường, giữ đất chống xói mòn, giữ nước ngầm, góp phần làm giảm bớt lũ lụt, khô hạn. Đồng thời, với mô hình nông - lâm kết hợp đã và đang triển khai còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nâng cao đời sống người dân sống gần rừng.
PV: Theo ông, quá trình triển khai bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, thách thức nào?
Ông Nguyễn Huy Tuấn:
Sơn La là địa phương có diện tích rừng lớn, phân bố tại 197/204 xã, phường, thị trấn; 2.370/2.509 bản, tiểu khu, tổ dân phố, với 40.636 chủ rừng. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn mỏng, năm 2023 chỉ có 272 biên chế; trong đó kiểm lâm địa bàn 136 biên chế, phải thực hiện kiêm nhiệm từ 2-3 xã.
Cộng thêm thời tiết năm 2023 diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp so với trung bình nhiều năm ảnh hướng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR. Tại các địa phương vẫn còn tập quán đốt nương làm rẫy, canh tác trồng cây nông nghiệp ngắn ngày trên đất lâm nghiệp, thả rông gia súc ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ bảo vệ, PCCCR.
PV: Định hướng và giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Tuấn:
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt ổn định 50%; từng bước nâng cao chất lượng rừng. Để đạt chỉ tiêu trên, Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng trong nhân dân. Tham mưu rà soát, cập nhật, kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trong kỳ Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia giai đoạn 2021-2030 và Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững diện tích rừng hiện có. Vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng; hướng dẫn các bản xây dựng nội quy, quy ước bảo vệ rừng, PCCCR. Rà soát thay thế diện tích trồng cây hàng năm, lâu năm kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao; tham mưu điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp theo hướng tăng cây đa tác dụng, đa mục tiêu tạo điều kiện tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng trái phép, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác PCCCR, sạt lở đất rừng để hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Đến hết năm 2022, Sơn La có 666.877,7 ha rừng, độ che phủ đạt 47,3%. Diện tích rừng của tỉnh có chức năng phòng hộ đầu nguồn cho các công trình thủy điện quốc gia trên sông Đà, gắn với sinh kế của gần 85% dân số nông thôn.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đã xây dựng Dự thảo Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng giai đoạn đến năm 2030. Việc triển khai Đề án được kỳ vọng sẽ tạo thêm nguồn lực hỗ trợ công tác bảo vệ, phát triển rừng. Cùng với đó, góp phần hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 3%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo 4-5%/năm.