Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:
Bạn có thể tìm hiểu các quy định về phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Sơn La được quy định tại Quyết định số 40/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Theo Quyết định trên, phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi được quy định như sau:
Đối với vùng phụ cận đập đầu mối: Công trình đập đầu mối trên địa bàn thuộc phạm vi tỉnh quy định vùng phụ cận là đập chắn nước kết cấu bê tông cốt thép, có chiều cao đập h < 10m thuộc công trình cấp III, IV (xác định theo phụ lục số II, bảng phân cấp công trình thủy lợi, ban hành kèm theo Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính Phủ). Đập cấp III, IV: Phạm vi bảo vệ được tính từ chân đập trở ra tối thiểu là 20m và hai bên vai đập trở ra tối thiểu là 3m.
Đối với vùng phụ cận kênh: Kênh đã kiên cố có lưu lượng nhỏ hơn 0,5m3/s, phạm vi bảo vệ được tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 1,0m; lưu lượng từ 0,5m3/s đến dưới 2m3/s, phạm vi bảo vệ được tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 1,5m. Đối với kênh đất có lưu lượng nhỏ hơn 0,5m3/s, phạm vi bảo vệ được tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 1,5m; lưu lượng từ 0,5m3/s đến dưới 2m3/s, phạm vi bảo vệ được tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 2,0m.
Đối với vùng phụ cận công trình trên kênh (cống, tràn, cầu máng...), phạm vi bảo vệ tính từ điểm xây đúc ngoài cùng của công trình trở ra là 3m về mọi phía.
Đối với vùng phụ cận Kè chống sạt lở bờ sông, suối: Phạm vi bảo vệ tính từ điểm xây đúc ngoài cùng của kè trở ra tối thiểu là 1m đối với đỉnh kè hoặc mép ngoài của đường quản lý; tối thiểu là 3m đối với chân kè phía bờ sông, suối.
Quy định về cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi
Các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới gồm: Đập của hồ chứa nước có dung tích từ 100.000m3 đến dưới 500.000m3, hoặc đập có chiều cao từ 5m đến dưới 10m; Lòng hồ chứa nước dung tích từ 100.000m3 đến dưới 500.000m3; Kênh có lưu lượng từ 2m3/s đến dưới 5m3/s.
Khoảng cách các mốc chỉ giới: Đối với đập khoảng cách giữa hai mốc liền nhau là 50m. Đối với lòng hồ chứa khoảng cách giữa hai mốc liền nhau là 500m. Đối với kênh khoảng cách giữa hai mốc liền nhau là 300m
Đối với công trình đang trong quá trình xây dựng hoặc đang lập dự án đầu tư: Chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 43, Luật Thủy lợi và phải bàn giao lại cho tổ chức, cá nhân khai thác công trình khi bàn giao công trình hoàn thành trước khi đưa vào sử dụng.
Đối với công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng: Các tổ chức, cá nhân khai thác công trình có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 43, Luật Thủy lợi.