Sớm hoàn thiện chính sách pháp luật cho thị trường bất động sản

Thùy Linh| 03/03/2020 15:37

(TN&MT) - Lĩnh vực đầu tư bất động sản (BĐS) có tới 12 luật chi phối trực tiếp, ngoài ra, còn được quy định ở nhiều luật chuyên ngành khác. Điều này vừa làm khó doanh nghiệp, vừa khiến việc quản lý trở nên chồng chéo, tạo lỗ hổng để doanh nghiệp "lách luật"...

Dự án ách tắc

Theo đánh giá của bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc FLC, doanh nghiệp BĐS đang gặp 3 vấn đề lớn khi thực hiện dự án. Đó là vấn đề pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính.

"Một dự án BĐS chịu sự chi phối rất nhiều bộ Luật, trong đó, có nhiều điều khoản thiếu đồng bộ, chồng chéo dẫn đến số lượng các dự án ngày càng giảm dần. Nếu khơi thông được luật, sẽ khơi thông được dự án BĐS. Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục hành chính tại các Sở, ngành kéo dài từ việc xin chủ trương, ý kiến từ Trung ương đến địa phương phải qua rất nhiều cửa, đợi chờ phê duyệt, xin ý kiến các cấp mất nhiều thời gian. Một văn bản nhanh phải trải qua 2 tháng, lâu nhất là 6 tháng khiến doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư. Vì vậy, nếu không cải tổ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS trong tương lai và doanh nghiệp tiếp tục gặp khó, trễ tiến độ thực hiện dự án” - bà Dung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc công ty CP Thanh Bình chia sẻ, doanh nghiệp BĐS đang gặp nhiều khó khăn do sự không thống nhất về mặt luật pháp.

Doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn do không thống nhất về mặt luật pháp. Ảnh: Hoàng Minh

Đơn cử, trong Luật Đất đai 2013 có quy định hệ số đền bù do cấp tỉnh quy định, mà mỗi tỉnh lại quy định một hệ số khác nhau nên gây ra sự bất cập trên mặt bằng giá đất. Hay, để xin giấy phép chứng nhận đầu tư cho dự án, Sở KH&ĐT là đầu mối tiếp nhận hồ sơ theo quy định. Nếu hồ sơ hợp lệ, 15 ngày sau sẽ có kết quả trả cho chủ đầu tư. Tuy vậy, Sở này lại phải gửi văn bản cho chủ đầu tư yêu cầu hỏi ý kiến Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở TN&MT và quận, huyện có dự án.

Như vậy, chủ đầu tư vẫn phải trải qua 6 cửa trên và trực tiếp tới làm việc với cả 6 đơn vị này mới giải quyết được công việc. Điều này đã khiến 1 thủ tục biến thành 5 - 6 thủ tục khác nhau; thời gian từ 15 ngày chỉ là lý thuyết, thực tế ít nhất từ 5 - 6 tháng, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, tiến độ triển khai dự án.

Rõ ràng, để thực hiện một dự án BĐS, nếu đi mạch lạc, đã tốn rất nhiều thời gian, chi phí. Tuy vậy, chỉ cần một thủ tục không rõ ràng, một quy trình, một khái niệm với nhiều cách hiểu khác nhau đã khiến quy trình đầu tư ách tắc, phải làm lại từ đầu. Do vậy, cần thiết có cơ chế một luật sửa nhiều luật.

Cần rút ngắn thủ tục hành chính

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành BĐS đang chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành.

Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác…

Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, gia tăng thời gian và chi phí tuân thủ, làm lỡ cơ hội đầu tư, tăng rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với những rào cản pháp lý, bất cập thực thi các văn bản và thực tế nảy sinh nhưng pháp luật chưa được điều chỉnh. Như, khó khăn vướng mắc liên quan tiếp cận đất đai, quá trình chuẩn bị đầu tư, quản lý sau đầu tư….

Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, mới đây, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiêp và người dân.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hiện các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh BĐS, đấu thầu đang có nhiều điểm chồng chéo. Đơn cử, chồng chéo về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; quy định không thống nhất, thiếu cụ thể trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất; mâu thuẫn trong quy định về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Kinh doanh BĐS và Luật Đất đai; hạn chế về phạm vi quyền chuyển nhượng dự án BĐS giữa Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở và Luật Đất đai...

Theo đó, VNREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định này.

Đồng thời, kiến nghị một số giải pháp như: Rà soát tổng thể thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục đầu tư, xây dựng quản lý các dự án như chuẩn bị đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án, đánh giá tác động môi trường… để rõ ràng trong quá trình thực hiện, giảm thủ tục, thời gian thực hiện thủ tục hành chính tạo sự thông thoáng góp phần thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý sau đầu tư đối với các dự án kinh doanh BĐS để sửa đổi. Bổ sung cho thống nhất và cắt giảm tối đa, áp dụng chế độ một cửa với các thủ tục của từng loại dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm hoàn thiện chính sách pháp luật cho thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO