Triển khai Luật Đất đai 2024

Doanh nghiệp bất động sản: Mong Luật Đất đai 2024 sớm được thực thi

Thùy Linh 21/05/2024 09:18

(TN&MT) - Luật Đất đai 2024 được thực hiện sớm nửa năm sẽ sớm thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường bất động sản (BĐS), từ đó kéo giá nhà xuống thấp hơn

Ngày 17/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 như đề nghị của Bộ TN&MT. Theo đề xuất của Bộ TN&MT, Luật Đất đai số 31/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025 như trong Luật đã quy định.

2(3).jpg
Luật Đất đai 2024 được thực thi giúp thị trường giải quyết bài toán ách tắc nguồn cung.

Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025. Như vậy, dự kiến chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Luật Đất đai 2024 sẽ chính thức có hiệu lực. Doanh nghiệp, người dân đều mong các Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật nhanh chóng được tiếp thu ý kiến, ban hành kịp thời với Luật, để Luật Đất đai mới phát huy hết được hiệu lực. Trong đó, Dự thảo Nghị định về giá đất đang được dư luận quan tâm.

Thời gian vừa qua, thị trường BĐS diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân là do nguồn cung bị hạn chế dẫn đến giá bán nhà đã tăng cao. Nếu cơ chế chính sách sớm được thay đổi sẽ tháo gỡ được vấn đề này cho thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp đều mong Luật Đất đai 2024 sớm được đưa vào cuộc sống do nhiều doanh nghiệp BĐS đang gặp vướng mắc trong vấn đề thủ tục đầu tư khi các quy định từ bộ luật cũ vừa chồng chéo, vừa mâu thuẫn, trong đó Luật Đất đai là luật xương sống. Vì vậy, Luật Đất đai 2024 sớm được thực thi sẽ không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp mà còn quyết định sự phục hồi của cả thị trường.

"Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép chuyển đổi đất khác sang đất ở. Nếu Quốc hội thông qua thì nguồn cung sẽ được giải tỏa và giá BĐS sẽ hạ xuống. Hiện, Hà Nội và TP. HCM đang có 400 dự án gặp vướng mắc nội dung đất khác. Cụ thể, theo nghị định 30 và Luật Đất đai thì đất làm dự án phải có ít nhất 1m2 đất ở trong đó mới được chuyển đổi để làm dự án nhà ở thương mại. Vì vậy, nhiều diện tích đất là nhà máy, đất kho bãi đã được đưa vào quy hoạch làm dự án nhà ở nhưng không thể chuyển đổi được vì không có đất ở. Điều này rất bất hợp lý. Chúng tôi hy vọng Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ tháo gỡ được vấn đề này sớm cho doanh nghiệp" - ông Hiệp nói.

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia, Luật Đất đai 2024 là một sự đột phá. Nếu được thực thi sớm là thành công lớn. Trong đó câu chuyện giá đất mang tính thị trường sẽ làm thay đổi cơ bản nhận thức của người dân về đất đai, cũng như việc thu hồi đất của Nhà nước và tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế. Cùng với đó, thông qua dự thảo các Nghị định cho thấy, Nhà nước đang tiến hành siết lại năng lực của các chủ đầu tư, đây là điều rất quan trọng đảm bảo cho tính bền vững của thị trường BĐS, giúp tránh được các trường hợp không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật, uy tín mà vẫn tham gia tham gia thị trường.

"Nếu các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sớm có hiệu lực sẽ tác động rất tích cực tới thị trường. Như Luật Đất đai mới hỗ trợ việc tiếp cận thị trường đất đai của các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, giúp phân khúc BĐS nông nghiệp khởi sắc, nhộn nhịp hơn. Luật Đất đai cũng đã cởi mở hơn rất nhiều với quy định tạo thuận lợi cho Việt kiều mua nhà, đất như người dân trong nước. Luật Kinh doanh BĐS sẽ vừa gỡ vướng, vừa thanh lọc thị trường với các quy định kiểm soát môi giới, giao dịch" - bà Nhung nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 1.200 dự án BĐS, nhà ở thương mại bị vướng mắc, trong đó đa số là vướng về pháp lý. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đánh giá, nếu Luật Đất đai 2024 được áp dụng sớm từ ngày 1/7 sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn của thị trường BĐS. Bởi có một Nghị quyết rất quan trọng mà Chính phủ đã giao các bộ, ngành thực hiện để trình Quốc hội là cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác.

Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận được đất đai thuận lợi hơn, phát triển dự án nhanh hơn; góp phần giải được bài toán thiếu nguồn cung nhà ở trên thị trường. Đáng chú ý, cả hàng ngàn dự án BĐS, nhà ở thương mại đang bị vướng sẽ được gỡ rối. Khi nguồn cung không quá thiếu hụt so với nhu cầu thì cũng góp phần kéo giá nhà ở đi xuống.

Song song đó, Luật mới quy định về việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai các dự án đầu tư…

Việc giải quyết quyền lợi cho người dân thấu tình đạt lý trong GPMB hay thu hồi đất cũng giúp Nhà nước tạo ra được quỹ đất để đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư công khai, minh bạch. Đồng thời, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất gồm xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cũng là một phần gia tăng nguồn cung nhà ở cho người dân.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể về loại hình BĐS dịch vụ, du lịch như condotel, căn hộ dịch vụ, văn phòng kết hợp lưu trú… Đây là cơ sở để gỡ vướng cho 100.000 căn hộ condotel hiện nay, góp phần thúc đẩy thị trường hồi phục.

Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: “Luật Đất đai 2024 được thực hiện sớm nửa năm sẽ thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường, từ đó kéo giá nhà xuống thấp hơn. Hay các trung tâm phát triển quỹ đất của các tỉnh, thành phố sẽ phát huy được hiệu quả và Nhà nước chủ động điều tiết được quỹ đất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung; đồng thời chấn chỉnh, đưa thị trường phát triển ổn định, bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bất động sản: Mong Luật Đất đai 2024 sớm được thực thi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO